Theo Công an TP. Hà Nội, thời gian qua, đơn vị đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu giả mạo website các công ty chứng khoán để giao dịch.
Đồng thời phát hiện nhiều cá nhân nhận được đường dẫn website, app giao dịch sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng trên mạng xã hội (chưa xác định được nhân thân) để giao dịch mua bán chứng khoán với mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư, sau đó chiếm đoạt tiền.
Theo Công an TP. Hà Nội, việc huy động vốn này được thực hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Phương thức hoạt động của các đối tượng là hướng dẫn, đề nghị cá nhân truy cập vào các đường link lừa đảo để thực hiện các dịch vụ chuyển tiền nhiều ngân hàng. Sau khi cá nhân truy cập vào đường link sẽ mở ra giao diện giống với giao diện của tổ chức, các công ty chứng khoán để mua bán các mã chứng khoán.
Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định, nhà đầu tư không rút được tiền từ tài khoản đã đăng ký trên giao diện giao dịch chứng khoán giả mạo và bị mất tiền.
Các đường link đã được các đối tượng phát tán trên địa bàn TP. Hà Nội gồm: http://www.zh7.com/rk/vip45; http://af968501.xyz/00BBJPBF; http://www.zh7.com/rk/vip25; http://www.rzwej.xyz; http://a.f968501.xyz/o0bbjpbf; http://www.zmh7.com/rk/vip20;http://af968501.xyz/O0BBJBBF; http://vn1direct.me; http://vn1direct.me/trading; http://vn1direct.me/login...
Nhằm phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao và bảo vệ tài sản của người dân, Công an TP. Hà Nội đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội tăng cường cảnh báo đến các công ty chứng khoán trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các công ty chứng khoán cảnh báo liên tục, thường xuyên phương thức, thủ đoạn phạm tội nêu trên đến khách hàng bằng nhiều hình thức (email, sms, trực tiếp tại quầy, trên app của công ty...).
Các công ty chứng khoán tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; thường xuyên rà soát các đường link lạ trên không gian mạng, các website, fanpage sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của công ty chứng khoán.
Ngoài ra, khi phát hiện các đường link, website, fanpage nghi vấn, các công ty chứng khoán và người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời cảnh báo ngăn chặn hạn chế thiệt hại xảy ra.
Thực tế, thời gian qua đã có không ít đối tượng lập website giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh và địa chỉ của doanh nghiệp khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Đặc biệt, đa phần các đối tượng mạo danh công ty chứng khoán thường sử dụng công nghệ cao để thu thập thông tin cá nhân, số điện thoại của những người chưa chơi chứng khoán hoặc đang có ý định chơi chứng khoán.
Theo đó, các cơ quan chức năng, các chủ thể mang tính chuyên nghiệp như công ty chứng khoán và sàn giao dịch chứng khoán cần phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề này.
Điểm e, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức, 5-10 triệu đồng với cá nhân.
Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích đánh cắp quyền truy cập tài khoản, đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại (nếu có).