Béo phì thừa cân gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Giảm cân giúp vóc dáng thon gọn, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngủ ngon hơn
Trong khi ngủ, phần cơ vùng hầu họng được nghỉ ngơi, lưỡi và các mô mềm vùng hầu họng giãn ra gây nghẽn đường thở. Ở người thừa cân, béo phì, lượng mỡ được phân bố nhiều xung quanh khu vực đường hô hấp trên, dẫn tới hẹp đường thở. Người giảm cân và giữ cân nặng khỏe mạnh có thể ngăn ngừa ngưng thở khi ngủ tiến triển.
Phòng tránh bệnh
Béo phì là một trong những yếu tố gây bệnh tim vì làm tăng nguy cơ huyết áp và cholesterol cao. Kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống và luyện tập để chỉ số BMI ở mức an toàn. Chỉ số BMI từ 18,5-24,9 là lý tưởng, từ 25 đến 29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên cho thấy béo phì.
Người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn so với người có mức cân nặng bình thường.
Bảo vệ sức khỏe xương khớp
Giảm trọng lượng cơ thể đồng nghĩa giảm tải trọng lên hệ cơ xương khớp. Các khớp chịu sức nặng chính của cơ thể gồm hông, đầu gối, mắt cá chân. Áp lực cơ học bên trong và xung quanh khớp gối của bệnh nhân ít dần khi cân nặng ở mức phù hợp.
Giảm cân cũng giúp cải thiện chức năng vận động của đầu gối.
Cải thiện sức khỏe sinh lý
Thừa cân và béo phì có thể liên quan đến giảm khả năng sinh sản và ham muốn tình dục do thay đổi nội tiết tố. Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải có thể cải thiện tình trạng này. Điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống, thói quen luyện tập khoa học là cách hiệu quả nhất để cân nặng hợp lý, cải thiện sức khỏe tổng thể.
Người thừa cân nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein hơn để giảm cảm giác thèm ăn, tăng cường đốt cháy chất béo. Chế độ ăn nhiều dưỡng chất góp phần duy trì khối lượng cơ, trao đổi chất trong quá trình giảm cân. Thực phẩm giàu protein bao gồm thịt, hải sản, trứng, các loại đậu phụ, sản phẩm từ đậu như sữa, pho mát, sữa chua.
Chất xơ hòa tan có trong thực phẩm thực vật, hấp thụ nước, di chuyển qua đường tiêu hóa chậm rãi, nhờ đó tạo cảm giác no lâu. Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể chống tăng cân, giảm mỡ bụng, không phụ thuộc vào lượng calo. Thực phẩm cung cấp dưỡng chất bao gồm trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, hạt.
Trong quá trình chế biến, ngũ cốc tinh chế bị loại bỏ cám và mầm, dẫn đến sản phẩm cuối cùng ít chất xơ và chất dinh dưỡng. Carbs tinh chế cũng có chỉ số đường huyết (GI) cao, gây giảm lượng đường trong máu dẫn đến tăng cảm giác đói. Vì vậy, người giảm cân nên hạn chế thực phẩm này.
Chế độ ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) và trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải. Nên thay thế carbs tinh chế từ bánh ngọt, thực phẩm chế biến bằng ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì nguyên hạt, yến mạch.
Theo VnExpress