Cao chiết từ tía tô hạ acid uric

Tìm hiểu về tác dụng của cao chiết từ tía tô trong giảm acid uric và cải thiện sức khỏe
Cao chiết lá tía tô và râu mèo có thể hạ axit uric trong máu. Ảnh minh họa: INT
Cao chiết lá tía tô và râu mèo có thể hạ axit uric trong máu. Ảnh minh họa: INT

Cao chiết tía tô có tác dụng ức chế enzym xanthine oxidase, có tác dụng hạ acid uric máu trong khi cây râu mèo có tác dụng kiềm hóa nước tiểu, tăng thải acid uric qua đường niệu.

Kết hợp hai loại dược liệu trong nước

Nhóm tác giả gồm Dương Phan Nguyên Đức, Võ Thanh Phong, Nguyễn Thành Triết, khoa Y học cổ truyền - Trường ĐH Y Dược TPHCM và Nguyễn Thị Bảy, khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM vừa nghiên cứu thành công tác dụng hạ acid uric máu của cao chiết ethanol phối hợp chứa tía tô và râu mèo trên chuột nhắt trắng.

TS Nguyễn Thành Triết - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, tăng acid uric máu là một rối loạn chuyển hóa chiếm tỉ lệ từ 2,6% đến 47,2% ở các nhóm dân số khác nhau. Hiện nay, tăng acid uric máu không chỉ liên quan đến bệnh lý viêm khớp gút mà còn là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh thận mạn, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Để kiểm soát nồng độ acid uric máu, allopurinol là thuốc được sử dụng hàng đầu. Tuy nhiên, thuốc này gây nhiều phản ứng bất lợi như hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Steven-Johnsons, hội chứng DRESS. Ngoài ra, khoảng 20 - 30% bệnh nhân không đạt mục tiêu acid uric mặc dù đã sử dụng allopurinol liều tối đa.

Ngoài điều trị dùng thuốc kéo dài, bệnh nhân tăng acid uric máu phải duy trì chế độ ăn uống giảm đạm và uống nhiều nước có tính kiềm. Điều này gây ra sự khó khăn trong tuân thủ điều trị, nhất là ở các bệnh nhân lớn tuổi. Do vậy, việc lựa chọn các loại thuốc an toàn, ít tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài cho bệnh nhân là rất cần thiết.

Theo Y học cổ truyền, tía tô có tác dụng khu phong, tán hàn; râu mèo có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp. Hai dược liệu này đều có tác dụng trong điều trị biểu hiện tương tự như viêm khớp gút: Đau khớp, sưng nóng đỏ khớp…

Các công trình nghiên cứu đã ghi nhận cao chiết tía tô có tác dụng ức chế enzym xanthine oxidase in vitro và hạ acid uric máu in vivo với tính an toàn cao, không tìm thấy độc tính nguy hiểm. Tuy nhiên, sử dụng tía tô đường uống làm toan hóa nước tiểu, gây tích tụ acid uric trong nước tiểu.

Trong khi đó, cây râu mèo có tác dụng kiềm hóa nước tiểu, tăng thải acid uric qua đường niệu. Hai dược liệu này đều chứa thành phần flavonoid, acid hữu cơ và tinh dầu, trong đó, flavonoid là hợp chất đóng vai trò quan trọng trong tác dụng hạ acid uric của cả tía tô và râu mèo. Phối hợp hai dược liệu này vừa làm giảm sản xuất acid uric do ức chế enzym xanthine oxidase, vừa tăng đào thải acid uric qua nước tiểu do kiềm hóa nước tiểu.

Nhóm các nhà khoa học nghĩ đến kết hợp tía tô và râu mèo để thử nghiệm khả năng hạ acid uric trong máu, thử nghiệm trên chuột nhắt trắng. Dược liệu tía tô được thu hái tại Long An, dược liệu râu mèo được thu mua trên thị trường. Các dược liệu được ngấm kiệt với ethanol 70%. Dịch chiết cô đặc bằng máy quay để loại hết cồn, sau đó cô cách thủy để được cao đặc hỗn hợp chứa tía tô và râu mèo.

Thử nghiệm tác dụng trên chuột nhắt trắng

Nhóm chọn động vật thử nghiệm là chuột nhắt trắng 12 - 15 tuần tuổi, trọng lượng khoảng 28g được cung cấp bởi Viện Pasteur TPHCM và được nuôi ổn định ít nhất 1 tuần trước thử nghiệm.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, hai lô chuột uống cao chiết ethanol 70% tía tô - râu mèo tỷ lệ 1:1 với các liều 1g/kg và 2g/kg đều có tác dụng hạ acid uric máu theo phác đồ dự phòng và khả năng này khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với lô uống thuốc đối chứng dương là allopurinol liều 10 mg/kg.

TS Nguyễn Thành Triết cho biết, khi so sánh về tác dụng hạ acid uric máu của cao phối hợp so với các cao độc vị, khác biệt về khả năng hạ acid uric của các cao này là không có ý nghĩa.

Dựa trên các nghiên cứu trước đây, với dung môi chiết là ethanol 70%, cao chiết tía tô ở liều 200 mg/kg và cao chiết râu mèo ở liều 200 mg/kg có tác dụng giảm acid uric hiệu quả hơn so với các liều thử nghiệm khác.

Trong khi đó, liều cao phối hợp trong thử nghiệm này (1g/kg và 2g/kg) được xác định dựa trên thử nghiệm xác định độc tính cấp của cao. Do không có cùng khoảng liều nên cần có thêm những thử nghiệm cao chiết phối hợp ở các liều thấp hơn để có thể kết luận về hiệu quả của cao chiết phối hợp so với các cao chiết độc vị.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay tía tô đang được sử dụng rất nhiều trong các chế phẩm hạ acid uric máu và điều trị bệnh gút nhưng nguồn nguyên liệu chủ yếu là cao tía tô nhập từ Nhật Bản, trong khi ở Việt Nam tía tô phát triển rất nhiều và được sử dụng khá phổ biến. Tương tự, râu mèo là một trong những dược liệu được xuất khẩu của Việt Nam.

Cả hai dược liệu này đều sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa của nước ta, trữ lượng lớn và được sử dụng từ rất lâu trong y học cổ truyền. Hơn nữa, tía tô và râu mèo ngoài tác dụng hạ acid uric máu còn giúp điều hòa các rối loạn chuyển hóa đi kèm, làm giảm nguy cơ sỏi thận và bảo vệ thận.

Thành công của nghiên cứu mở ra tiềm năng lớn trong nghiên cứu các thuốc và chế phẩm điều trị tăng acid uric máu trên lâm sàng.