Hà Nội: Cây gỗ quý, cây di sản, cây di tích lịch sử bị gãy đổ sau bão số 3 được xử lý ra sao?

Sau bão số 3, khoảng 6.000 cây xanh ở Hà Nội gãy đổ không thể trồng lại. Lượng cây này đang tập kết về kho, được tính là củi và sẽ được thanh lý, bán đấu giá theo quy định.

Những ngày qua, trên một số tuyến đường, phố tại Thủ đô Hà Nội, công tác thu dọn cây xanh ngã đổ sau bão số 3 vẫn được thực hiện. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố Hà Nội có hơn 40 nghìn cây xanh bị gãy, đổ. Hà Nội sẽ trồng lại 3.082 cây bị đổ và khắc phục tình trạng cây gãy, đổ trước ngày 25/9.

Số cây gãy đổ được vận chuyển đi đâu, xử lý thế nào là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm, đặc biệt là cây gỗ quý, cây di sản. PV Dân Việt đã làm việc với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội để có thông tin chi tiết.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội quản lý hơn 130 nghìn cây xanh đô thị trên địa bàn 12 quận, huyện; còn lại là các đơn trồng, quản lý chăm sóc cây xanh khác tại các quận, huyện, khu đô thị, ...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, bà Phạm Thị Thu - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) cho biết, sau bão số 3 (Yagi), hơn 12 nghìn cây xanh do Công ty quản lý bị gãy, đổ, hư hại cành.

1-1725776895654140951162-17277578034381585670201.jpeg
Loạt cây xanh bị gãy đổ sau bão số 3 ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức.

Ngay sau khi bão tan, Công ty cây xanh đã bắt tay vào dọn dẹp, cứu, trồng lại, đưa về vườn ươm được khoảng hơn 6 nghìn cây xanh.

"Các loại cây xanh trồng lại chủ yếu là loại cây có đường kính dưới 25cm theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Còn lại một số ít những cây có đường kính trên 25cm được trồng lại hoặc đưa về vườn ươm. Phần lớn cây trồng xanh trồng lại bị đứt rễ, trồng tại nhiều địa hình khác nhau nên chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn", bà Thu nói.

Phần lớn các cây di sản, cây di tích lịch sử như cây si, sanh, đa, đề (khoảng 50 cây) có lịch sử lâu đời đã được trồng lại. Còn các loại cây khác khoảng 70 cây cũng đã được công nhân trồng lại, chăm sóc theo đúng quy trình.

Nhóm gỗ quý loại 1 bao gồm cây gỗ sưa, có khoảng hơn 10 cây bị gãy, đổ; nhóm gỗ quý loại 2 bao gồm xà cừ, lim…

Đối với cành, lá cây xanh dưới 5cm không có giá trị, Thành phố Hà Nội đã giao cho bên Công ty môi trường đô thị thu về các điểm tập kết xử lý thành mùn, hoặc phân bón cho cây. "Các cành cây đường kính trên 5cm tính là củi, gỗ được xử lý theo quy định", bà Thu cho biết.

2-17277578034461819867090.jpeg
Cây xanh gãy đổ không thể trồng lại sẽ được cắt bỏ thu gom gỗ tập kết về kho bán đấu giá theo quy định. Ảnh: Nguyễn Đức.

"Như vậy, đến thời điểm hiện nay, có khoảng hơn 6 nghìn cây xanh bị gãy, đổ, nứt toác, đứt rễ không thể trồng lại, không có khả năng sinh trưởng, phát triển, chúng tôi đã cưa lấy thân, rễ, cành làm củi gỗ, tập kết về các kho bảo quản", bà Thu thông tin.

Số gỗ sau khi thu về sẽ được vận chuyển về 2 kho chứa gỗ của Công ty ở khu vực Công viên Yên Sở và kho ở đường Chu Văn An, huyện Thanh Trì. Còn lại, một số gỗ tập kết ở các kho của quận, huyện trên địa bàn.

Ngoài 2 kho gỗ của công ty, vừa qua do số lượng cây gãy đổ quá lớn nên Thành phố Hà Nội đã giao cho các quận huyện thực hiện thêm việc thu gom gỗ đưa về kho của quận nhằm sớm giải phóng lòng đường, vỉa hè thông thoáng. Hầu hết các quận, huyện đều có kho, điểm tập kết gỗ riêng.

"Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thu gom số củi gỗ về kho, chưa có thống kê, kiểm đếm số lượng gỗ cụ thể", bà Thu thông tin.

Về quy trình bán đấu giá gỗ, theo bà Thu, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội chỉ có trách nhiệm thu hồi gỗ, tập kết về kho bảo quản. Sở Xây dựng Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Tài chính đứng ra thanh lý, bán đấu giá số củi, gỗ theo quy định của Luật Đấu giá và các quy định khác của Hà Nội. Số tiền từ bán đấu giá số củi gỗ sẽ được chuyển về kho bạc Nhà nước.

3-17277578034511164975645.jpeg
Bà Phạm Thị Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội). Ảnh: Q.M.

Phóng viên đặt câu hỏi, trong quá trình bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội đã gây gãy đổ cây xanh, trong đó có một số cây bật gốc còn nguyên lưới bọc bầu. Bà Thu cho hay, phía công ty không trồng cây xanh để nguyên lưới bọc bầu.

"Một số dự án ở các quận, huyện họ trồng cây để nguyên bầu lưới, đó có thể là những bầu lưới tự tiêu. Chúng tôi được giao khi trồng lại những cây này đều bỏ lưới quây bầu ra", bà Thu chia sẻ.

Trước mùa mưa bão hằng năm, phía công ty cây xanh thường xuyên cắt tỉa cành nhằm đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, cây bị đổ có thể gặp nhiều nguyên nhân, cây có thể mọc trên công trình ngầm, các mái tôn của nhà dân đua ra khiến cây không thể mọc thằng. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến cây bị nghiêng, gãy đổ nhiều trong cơn bão vừa qua.