Cảnh báo các tài khoản facebook giả danh luật sư lừa đảo

Hiện nay, trên mạng xã hội đang xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư, đăng bài về việc hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo.

Nhiều người đã bị lừa đảo, thay vì đến cơ quan công an trình báo sự việc liên quan đến tài chính thì họ lại liên hệ với các tài khoản này với mong muốn thu hồi được tiền...

Xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư

Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, hiện nay trên mạng xã hội facebook xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư đăng bài hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Công an Hà Nội nhận định kẻ xấu đã đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo, mong muốn lấy lại số tiền đã mất, nên bọn chúng đã giả danh luật sư để hỗ trợ thu hồi.

Theo đó, Công an TP Hà Nội cho biết, kẻ xấu giả vờ kết nối với bên an ninh mạng và thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược, đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.

Để thu hồi số tiền đã mất, Công an Hà Nội phân tích rằng “luật sư giả” yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỷ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về. Khi thấy con mồi đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì bọn chúng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi nạn nhân hỏi, “luật sư giả” nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về.

Qua những phân tích trên, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của kẻ xấu. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

01.jpg
Ảnh minh họa.

Thường xuyên bị các đối tượng lập facebook giả danh, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, các đối tượng tự lập facebook giả danh, rồi vào facebook cá nhân của anh lấy hình ảnh, thông tin đăng lên, chỉ khác mỗi số điện thoại gắn vào facebook.

Thậm chí, có những facebook giả danh luật sư Nguyễn Ngọc Hùng còn tăng follow ảo (tăng lượng theo dõi ảo) với hơn 20.000 người theo dõi. “Vài ngày lại có người gọi điện cho tôi hỏi có phải facebook giả danh đó là của tôi hay không, bởi bọn chúng thường xuyên giả danh, đề nghị chuyển tiền để được luật sư tư vấn, hỗ trợ…” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Cần tư vấn, hỗ trợ, giải quyết theo quy định pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất cũng như quy mô của sự việc.

Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cũng không còn là cá nhân đơn lẻ nữa mà được phối hợp tổ chức chặt chẽ, tinh vi cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Các đối tượng lừa đảo luôn ngang nhiên sử dụng nhiều chiêu trò thách thức bởi người dùng sẽ khó nhận diện được họ là ai và có thật sự là lừa đảo hay không để phòng tránh.

Sau khi bị lừa đảo, tâm lý chung của các nạn nhân mong muốn tìm cách lấy lại tiền nhanh nhất, nên có lên mạng tìm kiếm, tham khảo thông tin từ người khác. Vì thế, bị hại tiếp tục bị sập bẫy thủ đoạn lừa đảo mới, các đối tượng giả danh nạn nhân đã lấy lại được tiền, để giới thiệu đến một đối tượng có nick facebook, zalo uy tín. Các đối tượng giả danh người uy tín xã hội, nhất là các luật sư để tạo niềm tin cho nạn nhân.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải nộp trước một khoản tiền khoảng 30% số tiền đã bị mất trước đó, hoặc nộp tiền tham gia nhiệm vụ. Sau đó, các đối tượng lấy rất nhiều lý do, thậm chí chặn liên hệ để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Việc các đối tượng đã dùng những hành vi nhằm tác động vào tinh thần hoảng loạn của người khác hoặc dùng những thủ đoạn gian dối nêu trên nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là có dấu hiệu của vi phạm.

Theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ phải xét trên bản chất, mức độ và hậu quả của hành vi như thế nào, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP; bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi.

Thậm chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 170, Điều 174 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt cao nhất là chung thân.

“Với các thủ đoạn lừa đảo trên mạng rất tinh vi, khó xác định đối tượng, cách duy nhất và tốt nhất đó là nạn nhân có thể trình báo sự việc đến cơ quan công an nơi cư trú và cảnh báo tới mọi người. Nếu cần thiết có thể đến trực tiếp trụ sở văn phòng luật sư, hoặc người thân quen để được tư vấn, hỗ trợ, giải quyết theo quy định pháp luật” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.