Hiện không khó bắt gặp những đoạn rao bán thuốc chữa ho cho trẻ trên mạng xã hội. Tại trang Facebook “Tinh dầu trị ho khò khè cho bé” giới thiệu “bí kíp” trị ho, sổ mũi cho bé bằng sản phẩm tinh dầu Lợi An. Theo quảng cáo, tinh dầu Lợi An có thành phần gồm tinh chất trầu không, quế chi, màng tang, diếp cá... có công dụng hỗ trợ đặc trị nôn trớ, chữa khò khè, ho đờm, ngạt mũi, sổ mũi, hỗ trợ điều trị viêm phế quản, phổi, chữa vết côn trùng cắn...
Hay tại nick name “Tien Store” cũng đăng bán thuốc trị ho Prospan. Theo bài đăng, sản phẩm này xách tay trực tiếp tại Đức, thành phần chính là dịch chiết từ lá thường xuân khô, không phản ứng phụ, không gây độc hại... do đó, có nhiều công dụng như “thuốc thần” ngăn chặn các triệu chứng ho ngay từ đầu, điều trị triệu chứng trong các bệnh lý viêm phế quản mạn tính và cấp tính.
Người tiêu dùng cẩn trọng lựa chọn sản phẩm trị ho cho trẻ bán tràn lan trên mạng.
Theo hướng dẫn sử dụng, trẻ em từ 6-12 tuổi mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5ml, trẻ từ 12 tuổi và người lớn mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5ml. Sản phẩm được bán với giá 250 nghìn đồng/1 chai.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm cho trẻ là hàng handmade cũng được giới thiệu là siro thảo mộc cổ truyền trị ho, sổ mũi, long đờm... Theo quan sát của PV, những sản phẩm này không có tem, nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng... bên ngoài bao bì chỉ ghi chú sản phẩm có công dụng như thuốc cùng cam kết hàng sạch, an toàn... do đó, khiến nhiều người tiêu dùng vẫn mua sử dụng và “tù mù” về chất lượng.
Điều đáng nói, bản thân người bán không có trình độ chuyên môn về y dược cũng đăng bán và tư vấn sản phẩm mà không thể kiểm soát được chất lượng.
Cẩn trọng với sản phẩm trị ho dành cho trẻ nhỏ.
Theo quy định của Bộ Y tế, các loại thuốc hay thực phẩm chức năng trước khi lưu thông phải được Cục Quản lý Dược kiểm định chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn. Nội dung và hình ảnh quảng cáo thuốc cũng phải được cấp giấy phép phê duyệt nội dung bởi cơ quan quản lý của Bộ Y tế.
Đặc biệt, người trực tiếp bán thuốc cần có trình độ chuyên môn về y dược nhất định để có thể tư vấn sử dụng thuốc hợp lý cho người bệnh. Tuy nhiên, trên môi trường mạng xã hội như Facebook, hiện nay việc quảng cáo, bán hàng vẫn chưa được kiểm duyệt về chất lượng sản phẩm cũng như nội dung quảng cáo. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng khi mua các mặt hàng này qua Facebook.
Ông Phan Thanh Bá – nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục QLTT Hà Tĩnh khuyến cáo: “Hiện nay, việc kiểm soát thị trường trên mạng xã hội vẫn chưa thực hiện được. Các chủ Facebook bán hàng chưa phải đóng thuế hay chịu sự kiểm soát của lực lượng chức năng, chất lượng thuốc không được các cơ quan chức năng quản lý, không có bên chuyên môn nào chịu trách nhiệm nên người dùng cần phải cẩn trọng. Người tiêu dùng không nên mua bán các mặt hàng này trên mạng xã hội để tránh tiếp tay cho việc sản xuất, buôn bán thuốc giả và thuốc nhái”.
An Nguyên