Tác dụng của trà xanh với sức khỏe và sắc đẹp
Chất polyphenol trong trà xanh có tác dụng giảm viêm, chống nhiễm trùng... Trong trà xanh có chứa hàm lượng cafein tác động đến sự tỉnh táo và tư duy minh mẫn hơn.
Trà xanh được biết đến các lợi ích đối với sức khỏe như:
- Phòng ngừa bệnh ung thư: Chất chống oxy hóa, đặc biệt là hoạt chất EGCG giúp cơ thể có khả năng chống lại sự gây hại của gốc tự do, góp phần ngăn ngừa ung thư.
- Tốt với hệ tim mạch: Uống trà xanh đúng cách rất tốt với những người mắc bệnh tim vì nó làm giảm lượng cholesterol xấu có trong cơ thể.
- Ngăn ngừa bệnh Alzheimer và Parkinson: Các hợp chất catechin giúp cải thiện chức năng của não bộ. Hơn nữa nó còn giúp giảm nguy cơ đối với bệnh Alzheimer và Parkinson.
- Ngừa sâu răng: Các hoạt chất có trong trà xanh giúp kìm hãm vi khuẩn phát triển. Do đó trà xanh được dùng nhiều trong thành phần của kem đánh răng. Uống hoặc súc miệng bằng nước trà sẽ giúp phòng ngừa sâu răng và hôi miệng.
- Ngăn ngừa quầng thâm: Do khả năng hạn chế sự giãn nở mạch máu ở dưới bọng mắt, nên trà xanh trở thành thức uống hoặc nguyên liệu chữa thâm quầng thâm mắt hoặc các vết thâm mụn rất tốt. Cafein và tanin trong trà xanh còn giảm lượng nước ở mô quanh mắt, giúp vùng da quanh mắt giảm được thâm, sưng.
- Làm đẹp da: Các catechin, đặc biệt là EGCG, là một hoạt chất có công dụng giữ độ đàn hồi và ngăn ngừa lão hóa cho da. Chính vì thế mà uống trà xanh là một cách đem lại vẻ đẹp tự nhiên cho da từ bên trong.
Cách uống trà xanh
Có thể sử dụng trà tươi hoặc trà khô, nhưng nếu sử dụng trà khô sẽ bị mất đi khoảng 14% lượng hoạt chất catechin. Do đó, sử dụng trà xanh tươi vẫn được xem là tốt nhất.
- Cách pha, ủ trà xanh: Để giữ được hương vị và dưỡng chất có trong trà xanh tốt nhất, không nên pha lá trà ở nước sôi 100 độ C. Đun nước sôi rồi để nguội bớt còn khoảng 90 độ C. Vò nát nắm lá trà xanh rồi thả vào nước nóng. Đậy kính bình ủ khoảng 10 phút làn có thể sử dụng được.
- Chọn thời điểm uống trà: Nên uống trà sau bữa ăn khoảng 15-20 phút để mang lại hiệu quả cải thiện sức khỏe tốt hơn. Không nên uống trà xanh vào buổi sáng sau khi mới thức dậy hoặc khi đói để tránh làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của trà xanh lên thần kinh và hệ tiêu hóa.
- Không uống nước trà quá đặc: Nếu dùng nước trà xanh quá đặc sẽ dễ bị kích thích thần kinh gây khó ngủ và tăng nguy cơ nhiễm độc gan, làm giảm đào thải ở thận. Cách tốt nhất là nên uống trà xanh loãng.
- Không uống nước trà xanh đã ủ qua đêm, vì sau khi ủ lâu, trà có thể sản sinh ra chất không có lợi cho sức khỏe.
- Không uống đồng thời trà xanh với thuốc: Nếu đang dùng thuốc tây để điều trị bệnh thì không nên dùng trà xanh để uống nhằm tránh nguy cơ tương tác thuốc. Nếu uống trà xanh thì cần cách thời gian uống thuốc ít nhất 1 giờ.
- Nếu sử dụng trà xanh để làm đẹp da, cần kiểm tra xem da có bị dị ứng hay không.
- Không lạm dụng uống trà xanh quá nhiều, vì có thể gặp một số tác dụng phụ:
- Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
- Có triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa, kích ứng dạ dày khó chịu.
- Tăng độc tính cho gan do gan phải tăng cường chuyển hóa hoặc do nồng độ Epigallocatechin 3 Gallate (EGCG) quá cao.
DS.Vũ Thị Tuyết Mai - Sức khỏe và Đời sống