Những rủ ro khi peel da tại nhà nên biết
Theo BSCKI Hoàng Phú Thọ, Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, peel da là phương pháp sử dụng các hoạt chất hóa học tác động lên da để loại bỏ lớp tế bào chết, giúp tái tạo làn da, mang lại làn da trẻ trung, khỏe mạnh.
Các hoạt chất thường sử dụng trong peel da là các acid có nguồn gốc tự nhiên như alpha hydroxy acid (AHA), salicylic acid (BHA), tricloacetic acid (TCA), retinol… giúp trị mụn, mờ thâm, làm sáng và trẻ hóa làn da.
Peel da có thể được chia thành 3 cấp độ nhẹ, trung bình và sâu. Peel da ở mức độ nhẹ thường dùng alpha hydroxy acid (AHA) hoặc beta hydroxy acid (BHA) nhằm làm sáng da, giảm những vết thâm do mụn để lại. Ở mức độ nhẹ, peel da khá an toàn và không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, da có thể mẩn đỏ tạm thời, bong tróc nhẹ và nhạy cảm với ánh sáng. Tình trạng này sẽ được cải thiện sau vài ngày và không có gì đáng ngại.
Peel da ở mức độ trung bình xâm nhập sâu hơn. Các hoạt chất được sử dụng để tác động vào lớp biểu bì và lớp sâu hơn của da với các tác dụng khác nhau như giảm sẹo nông do mụn để lại, làm mờ nám, tàn nhang, hỗ trợ giảm nếp nhăn quanh mắt, miệng...Các tác dụng phụ có thể gặp khi peel da mức độ trung bình bao gồm mẩn đỏ, sưng tấy, đóng vảy, ngứa và bong tróc. Các biểu hiện này thường tự thuyên giảm sau khoảng 2 tuần.
Peel da tại nhà cần lưu ý để tránh những rủi ro không mong muốn. Ảnh minh họa
Peel da ở mức độ sâu phù hợp với những tình trạng sẹo thâm hoặc nếp nhăn mà không thể điều trị bằng phương pháp peel da nhẹ hơn. Vì tính can thiệp sâu để đưa hoạt chất thâm nhập vào phần dưới của lớp hạ bì, peel da mức độ sâu cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả, tránh gây biến chứng về sau.
Theo Bệnh viện Vinmec, các rủi ro hay tác dụng phụ khi peel da có thể gặp phải phần lớn phụ thuộc vào độ mạnh, cường độ và loại vỏ hóa chất sử dụng. Đối với các loại vỏ hóa chất có mức độ nhẹ như axit salicylic 15% hoặc axit mandelic 25%, người thực hiện sẽ có ít hoặc không có nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Một chút mẩn đỏ sau khi lột da đôi khi sẽ xảy ra nhưng cũng giảm dần sau một hoặc hai giờ. Da có thể bị bong tróc trong vòng hai đến ba ngày. Tuy nhiên, điều này là khá phổ biến với các loại vỏ hóa chất có mức độ nhẹ này.
Lưu ý rằng nếu không thấy lớp da bóc ra, không có nghĩa là nó không hoạt động. Không nên đánh giá thấp sức mạnh của lớp vỏ hóa học, ngay cả khi cảm thấy không có tác dụng gì nhiều. Đối với các sản phẩm có mức độ cao hơn, hiện tượng bong tróc da và mẩn đỏ là khó tránh khỏi. Quá trình này có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Các tác dụng phụ hiếm gặp khác bao gồm: Thay đổi màu da (nhiều khả năng xảy ra với những người da màu), Nhiễm trùng, Sẹo, hiếm gặp nhưng vẫn có thể bị tổn thương tim, thận hoặc gan, là điều đáng lo ngại với vỏ phenol nên không dùng để thực hiện peel da tại nhà.
Peel da sao cho an toàn và hiệu quả?
Theo BSCKI Hoàng Phú Thọ, peel da tại nhà chỉ nên thực hiện ở cấp độ nhẹ nhàng nhất để làm bong tróc lớp tế bào chết trên bề mặt da. Các mức độ peel da từ trung bình đến sâu cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn về thẩm mỹ, làm đẹp.
Nếu chưa từng peel da trước đây, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về hoạt chất phù hợp và cách sử dụng đúng để không gây hại da. Thông thường, khi peel da tại nhà, nên lựa chọn hoạt chất như AHA nồng độ 8-10% để làm sáng da hoặc BHA 2% giúp cải thiện tình trạng mụn viêm.
Trước khi thoa sản phẩm peel lên da mặt, hãy thử trên một vùng da nhỏ ở mu bàn tay để xem phản ứng của da. Nếu da không có phản ứng gì đặc biệt có thể tiến hành các bước peel da theo hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.
Mặc dù peel da mang lại nhiều ích lợi cho làn da, nhưng cần thực hiện đúng bước và tần suất để tránh khiến da bị quá tải, dẫn đến kích ứng và nhiều vấn đề khác. Một số tình trạng da nhạy cảm hoặc đang điều trị mụn viêm, mụn nặng, mụn mủ không nên tự peel da, bởi việc này có thể gây kích ứng và khiến tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn. Theo đó các bước peel da an toàn và hiệu quả tại nhà bao gồm:
Làm sạch da trước khi peel: Tẩy trang và rửa mặt bằng sữa rửa mặt để làm sạch bề mặt da và thoa toner để cân bằng độ ẩm trên da.
Thoa hoạt chất peel da: Nếu da không có phản ứng gì đặc biệt với hoạt chất peel, hãy thoa sản phẩm peel lên da mặt, tránh vùng mắt và môi. Tuân theo hướng dẫn của sản phẩm về thời gian để sản phẩm trên da, thường từ 5 đến 10 phút.
Làm sạch da sau peel: Sau khi đủ thời gian để sản phẩm peel thẩm thấu, bạn hãy rửa mặt với nước lạnh. Nếu cảm giác da vẫn còn châm chít, hãy dùng một chiếc khăn sạch, thấm vào nước đá lạnh và chườm nhẹ nhàng lên từng vùng da để làm dịu tình trạng kích ứng.
Chăm sóc da sau peel: Da sau khi peel sẽ bị tổn thương trong vòng 5 - 7 ngày do đó, điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là cần cấp ẩm và làm dịu da kịp thời để giúp da phục hồi.
Nên làm sạch da nhẹ nhàng, kết hợp sử dụng các sản phẩm dưỡng có chứa các thành phần như vitamin E, hyaluronic acid, glycerin... Những thành phần này giúp nuôi dưỡng làn da, đồng thời củng cố hàng rào bảo vệ da, thúc đẩy da phục hồi sau khi peel. Tránh sử dụng sản phẩm gây kích ứng da. Không được quên thoa kem chống nắng để bảo vệ làn da vốn đang rất nhạy cảm. Tốt nhất nên thoa kem chống nắng 30 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thoa lại sau 2-3 giờ.