Xử lý ra sao việc thuê bao mạo danh Cục Viễn thông đe dọa khóa SIM nhằm lừa đảo?

Mới đây, xuất hiện tình trạng người dùng di động nhận được cuộc gọi từ số lạ mạo danh Cục Viễn thông... và đe dọa sẽ khóa 2 chiều SIM điện thoại của họ.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tiếp nối trò lừa đảo mạo danh Bộ Công an và các cơ quan điều tra để đe dọa người dân liên quan tới vi phạm hình sự để lừa tiền, mới đây kẻ gian tiếp tục “tung chiêu” và săn tìm những nạn nhân mới.

dọa khóa SIM nhằm lừa đảo?
Cần ngăn chặn việc các thuê bao lạ chủ động gọi tới người dùng di động, mạo danh cơ quan nhà nước đe dọa khóa SIM hòng lừa đảo

Cụ thể, nhiều người dùng thuê bao di động nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, sau khi nhấc máy nghe tiếng như tổng đài tự động: “Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong 2 giờ. Bấm phím 1 để được hỗ trợ”.

Trong một số trường hợp khác, đầu dây xưng là “Cục Viễn thông”, với nội dung dọa khóa SIM tương tự. Sau khi bấm phím theo yêu cầu, “tổng đài viên” sẽ hướng dẫn người dùng gửi thông tin bao gồm họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, thậm chí yêu cầu chụp ảnh.

Lo lắng thuê bao bị khóa, nhiều người dùng di động nhanh chóng làm theo hướng dẫn của tổng đài viên, nhưng không nhận ra đó là trò lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia nhận định, từ rất nhiều năm nay, người dùng bị lừa đảo bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, trước đây là qua hình thức nhắn tin bằng tin nhắn brandname mạo danh của các ngân hàng để rút tiền của người dùng và bây giờ là hình thức gọi điện giả mạo các cơ quan như Bộ Công an, Cục Viễn thông…

“Để thực hiện được cuộc gọi tới người dùng, đa số các tội phạm công nghệ cao đều sử dụng phương thức tạo ra một số điện thoại ảo có mã vùng Việt Nam, sau đó thực hiện cuộc gọi đi từ số điện thoại này” - ông Nguyễn Ngọc Hân cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, chính vì công nghệ cho phép qua mặt các nhà mạng để tạo số điện thoại ảo, cộng với tình trạng sim rác vẫn chưa kiểm soát được hiện nay, làm cho việc truy tìm các đối tượng này rất khó khăn và càng tạo điều kiện cho loại tội phạm này nắm bắt để hoành hành.

Sau khi có được kết nối để đe nẹt người bị hại, lúc này người bị hại sẽ cung cấp các thông tin riêng của thuê bao của mình cho đối tượng phạm tội. “Dựa vào các thông tin người bị hại cung cấp, đối tượng phạm tội sẽ tiến hành các thao tác truy cập vào portal của nhà mạng, đổi thông tin chuyển hướng (forward) vô điều kiện cuộc gọi và tin nhắn về 1 máy nào đó và tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP của ngân hàng, tài khoản mạng xã hội” - ông Nguyễn Ngọc Hân phân tích.

Làm gì để ngăn chặn?

Về hướng xử lý hiện nay nhằm ngăn chặn việc các thuê bao lạ chủ động gọi tới người dùng di động, mạo danh Cục Viễn thông hoặc nhiều cơ quan nhà nước khác đe dọa khóa SIM hòng lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng, phải đồng thời thực hiện ở cả 3 phía.

Cụ thể, phía nhà mạng cần rà soát và huỷ các thuê bao rác; phía cơ quan báo chí cần tuyên truyền mạnh mẽ về các hình thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và hướng dẫn người dân không làm theo vì không bao giờ cơ quan quản lý gọi điện doạ khoá số điện thoại của người dùng.

Thực chất nếu có khóa số điện thoại thì cũng là việc của từng nhà mạng và nhà mạng cũng chỉ yêu cầu người dùng ra địa điểm gần nhất để đăng ký lại thông tin chứ ngay cả nhà mạng cũng không tiến hành khóa trực tiếp bằng thông báo qua cuộc gọi.

Tiếp đó, về phía người dân, không nghe theo các hình thức doạ dẫm và không làm theo các hình thức khi bị doạ dẫm.

“Công nghệ phát triển cho phép tạo được sim ảo và tổng đài ảo thông qua Internet, và đôi khi việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà mạng. Để kịp thời ngăn chặn, chúng ta cần lắng nghe các khiếu nại, thông tin từ nhiều phía, sau đó tiến hành phân tích và ngăn chặn kịp thời” - vị chuyên gia này lưu ý.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trước nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn thừa nhận, nếu nói xử lý triệt để sim rác theo nghĩa bằng 0 thì khó có thể làm được, nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung vào việc xử lý SIM rác. SIM rác chính là một trong những phương tiện để thực thi các hoạt động lừa đảo” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo đó, về xử lý SIM rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có 3 công đoạn lớn: Một là, tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin là xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, Việt Nam còn 22 triệu số thuê bao không có thông tin đầy đủ, nhưng đến năm 2022, chúng ta đã cương quyết và hiện nay thì không còn.

Hai là, thông tin đó có chính xác không? Hiện nay rất may, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang thực hiện việc đối soát, đã được 1/4 và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ bản trong năm nay, cùng lắm đến đầu năm 2023 phải xong, tức là dữ liệu đấy được chính xác.

Ba là, trong trường hợp đúng, nhưng một người đăng ký nhiều SIM, sẽ đến vấn đề tiếp theo là xử lý SIM chính chủ và bắt đầu làm ngay từ cuối năm nay bằng cách tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều SIM. Xử lý xong vấn đề này sẽ ngăn chặn được một cách rất đáng kể chuyện dùng số điện thoại để lừa đảo, cuộc gọi rác không liên quan.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ, trước khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được đưa vào vận hành, khai thác, trong 3 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất vất vả mới loại được 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ, nhờ vào công tác tổ chức thanh tra toàn diện, gửi công văn nhắc nhở các công ty viễn thông, xem xét trách nhiệm cá nhân lãnh đạo từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông…

“Cuộc sống diễn biến, chúng ta làm việc A, rồi lại sinh ra việc B, thì chúng ta sẽ tiếp tục phải xử lý. Bộ nhận trách nhiệm về việc này và tiếp tục có giải pháp để làm tốt hơn” - Bộ trưởng nói.