Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, bí quyết tiết kiệm của một cô gái có nickname C.L đã khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục.
C.L cho biết bản thân hiện đang làm công việc tự do (freelancer), thu nhập trung bình 1 tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng, nhưng tháng nào cũng tiết kiệm được 2-3 triệu.
Trong khi không ít người luôn than trời rằng lương 10-15 triệu chẳng đủ sống ở thành phố lớn, chia sẻ cô thật khiến người nghe phải "mắt chữ O, miệng chữ A".
Mỗi tháng chỉ tiêu 3-4 triệu nhưng cuộc sống vẫn đủ đầy, thoải mái
Theo những gì C.L chia sẻ, để tiết kiệm được 2-3 triệu/tháng với mức lương 6 triệu, cô phải ở ghép cùng bạn, đồng thời hạn chế tối đa việc ăn uống, tụ tập bên ngoài, đi xe điện để đỡ tốn tiền xăng, thèm trà sữa thì mua loại đóng hộp về pha chứ không mua ngoài quán,...
Một năm, C.L chỉ mua quần áo 2 lần và luôn tranh thủ các đợt sale cuối mùa, ưu tiên shopping online để áp thêm được nhiều mã giảm giá. Ngân sách mà cô chi cho việc mua mỹ phẩm, quần áo chỉ khoảng 150k/tháng.
Chia sẻ cụ thể về từng khoản chi của cô gái này, như sau:
"1. Tiền nhà: 1.250.000đ
Mình ở chung với chị họ nên tiền thuê nhà cũng rẻ, phòng nhỏ thôi nhưng đầy đủ điều hoà , nóng lạnh.
2. Tiền điện, nước, mạng: Dao động 200.000-400.000đ tuỳ mùa.
3- Tiền ăn uống: 1.000.000đ
Mình làm việc tại nhà nên tự nấu ăn, cũng béo rồi nên không muốn ăn nhiều. Bữa trưa ăn một mình loanh quanh có 10.000đ thôi. Bữa tối, mình ăn chung với chị, khoảng 30.000-40.000đ /1 bữa/người. Rau và hoa quả thi thoảng được dưới quê trồng gửi lên.
4. Ăn vặt, ăn ngoài, giao du: 300.000đ
Nguyên cái nhà mình thuê là toàn bạn bè mình ở phòng bên cạnh, ngày nào cũng gặp nhau nên việc lôi nhau ra ngoài ăn uống là rất ít, buôn chuyện thì ngồi ở nhà buôn, chỉ có rủ nhau đi chạy bộ hay đi bộ ở ngoài cho vui thôi. Còn hiếu hỉ thì cũng siêu ít vì toàn mấy đứa chưa cưới, sinh nhật cả đám 6 đứa góp mua chung cái bánh, chia ra cũng không tốn mấy. Và thay vì mua trà sữa ngoài quán thì mình mua trà sữa đóng hộp về pha.
5. Xăng xe: 0đ
Do làm việc ở nhà nên không tốn tiền xăng , khi nào đi đâu chơi hay đi chợ thì đi xe điện
6. Quần áo mỹ phẩm: 150.000đ
Mình không dùng mỹ phẩm, chỉ dùng son, sữa rửa mặt và tẩy trang; mà ở nhà làm nên mỗi loại chỉ mua số lượng rất ít, dùng được cả năm. Quần áo 1 năm mình mua 1-2 lần, vào các đợt sale lớn, áp mã giảm giá nữa nên cũng rẻ.
7. Gạo , gia vị , bàn chải , kem đánh răng,...: 200.000đ
10kg gạo, 2 chị em ăn hơn 1 tháng mới hết nên khoản này không tốn kém mấy.
8- Đầu tư cho giáo dục: 0đ
Công việc có gì khó khúc mắc thì mình tìm tòi và học trên Google, hoặc trao đổi cùng bạn bè. Khi nào bạn cần hỏi, mình cũng giúp đỡ lại. May mắn của mình cũng là do có mối quan hệ tốt với bạn bè và một số người anh chị em".
Học hỏi được gì từ cách tiết kiệm "đỉnh cao" của cô gái này?
Nhiều người đọc xong bài chia sẻ liền cảm thấy bán tín bán nghi, vì có những chi phí được liệt kê không ai nghĩ có thể tiết kiệm được vậy. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là mỗi người 1 hoàn cảnh, 1 quan điểm về cách tiêu tiền cũng như nhu cầu trong cuộc sống. Thu nhập cao hay thấp thực ra không phải là vấn đề có thể quyết định việc bạn có tiết kiệm được hay không. Chia sẻ của C.L chính là minh chứng cho lời khẳng định này.
Nếu hiện tại, bạn đang có mức thu nhập tốt hơn C.L, nhưng tài khoản tiết kiệm lại tròn trĩnh bằng 0, thậm chí là một số âm, đây là 3 điều mà bạn nên suy ngẫm để khắc phục tình trạng kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu.
1 - Môi trường sống vô cùng quan trọng
"Bạn sẽ là trung bình cộng của 5 người bạn tiếp xúc nhiều nhất" là câu nói hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh này. Dễ hiểu thôi, bạn muốn tiết kiệm nhưng bạn cùng phòng/cùng nhà tối nào cũng hò nhau đi ăn ngoài, một tuần 7 ngày thì 5 ngày góp đơn rủ nhau uống trà sữa, cùng nhau thức xuyên đêm để mua sắm giết thì giờ,... Như vậy, làm sao mà tiết kiệm cho được?
Trong câu chuyện của C.L, có thể thấy, những người bạn cùng nhà cũng "đồng lòng tiết kiệm" hệt như cô vậy.
Thế nên, nếu muốn tiết kiệm hoặc chí ít là cải thiện thói quen chi tiêu theo hướng tích cực, hãy xem xét lại những mối quan hệ thân thiết quanh mình, để xem liệu việc mình tiêu hoang là do tự thân, hay còn có cả "sự đóng góp, hối thúc" của các chiến hữu bên cạnh?
2 - Không nhất thiết cứ phải chi tiền triệu cho việc nâng cấp kiến thức
Còn trẻ mà không chịu học hỏi thì rõ là việc đáng trách. Nhưng đừng đánh đồng việc này với chuyện luôn phải chi thật nhiều tiền mới có thể học hỏi. Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo "học thầy không tày học bạn".
C.L cũng học hỏi từ những người bạn, những anh chị hơn tuổi và hơn cả kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm sống. Chưa kể, chúng ta còn đang sống trong thời đại 4.0, tất cả mọi thứ đều có thể "hỏi chị Google".
Việc tự học không khó, vấn đề chỉ là bạn có đủ chăm chỉ để "diệt con lười" trong mình hay không mà thôi.
3 - Biết "đủ"
Nhìn vào các khoản chi của C.L hàng tháng, không khó để nhận ra cô không chi tiền cho kem chống nắng, kem dưỡng ẩm hay hằng hà sa số các sản phẩm dưỡng da, chống lão hóa - Thứ luôn ngốn bộn tiền của con gái. Tương tự với việc mua sắm quần áo, C.L cũng chẳng mặn mà.
Phía dưới bài đăng của C.L, có không ít comment khuyên cô nên đầu tư cho thêm cho các sản phẩm chăm sóc da hay thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, C.L cho biết cô không chi không phải vì tiếc tiền, mà do bản thân không có nhu cầu.
Người ngoài nhìn vào có thể thấy cô gái này sao mà chi ly quá, nhưng C.L thì không. Cuối bài đăng của mình, C.L đã khẳng định việc chi tiêu với mức ngân sách 3,1 - 3,3 triệu/tháng là hoàn toàn thoải mái.
Vậy đấy, khi bạn tối giản chi tiêu và biết cảm thấy đủ với cuộc sống hiện tại của mình, việc tiết kiệm chẳng phải vấn đề gì khó nhằn, dù thu nhập có là bao nhiêu đi chăng nữa.