Vn-Index Tiếp Nối Đà Tăng Từ Phiên Cuối Tuần Trước

Phiên đầu tuần (8/7), dù chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ song vẫn kết phiên trong sắc xanh nhờ lực cầu nâng đỡ xuất vào cuối phiên, xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp. Điểm sáng trong phiên là sóng cổ phiếu phân bón, điểm trừ là khối lượng bán ròn
aavgb.png
Diễn biến VN-Index

Thị trường ghi nhận diễn biến điều chỉnh trong phiên đầu tuần với áp lực bên bán gia tăng. Sau khoảng thời gian ngắn tăng điểm đầu phiên, VN-Index bắt đầu có tín hiêu hụt hơi và trượt điểm dần. Nhóm bluechips cũng chịu áp lực điều chỉnh nên phần lớn các mã đều giao dịch trong sắc đỏ.

Lực cầu quay trở lại trong phiên chiều giúp thị trường dần lấy lại động lực và có nhịp hồi lên trên sắc xanh. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn hiện diện khiến VN-Index giằng co quanh tham chiếu đến hết phiên.

vvsdvsdbdgfn.png
Giao dịch khối ngoại

Bất chấp diễn biến rung lắc của thị trường chung, nhóm phân đạm hóa chất tỏa sáng trong phiên hôm nay. CSV, DCM, BFC đều tăng trần đóng góp cho chỉ số chung.

Thanh khoản cải thiện trong phiên hôm nay và ghi nhận phiên giao dịch sôi động nhất kể từ đầu tháng 7. Giá trị giao dịch cả 3 sàn hôm nay đạt khoảng 22.640 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại ghi nhận bán ròng đột biến với giá trị 2.507 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán HDB, FPT, STB. Đây là phiên thứ 22 liên tiếp khối ngoại "xả hàng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

0708.png
Bản đồ thị trường

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, HOSE có 243 mã tăng và 214 mã giảm, VN-Index tăng 0,52 điểm (+0,04%), lên 1.283,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 767 triệu đơn vị, giá trị đạt 19.890 tỷ đồng, tăng 24,4% về khối lượng và 24,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 103 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.341 tỷ đồng.

Sàn HNX có 88 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,35%), lên 243,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.431 tỷ đồng, tăng 8,6% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị đạt 377,6 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 161 mã tăng và 137 mã giảm, UPCoM-Index Index tăng 0,32 điểm (+0,33%), lên 98,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.316 tỷ đồng, xấp xỉ về khối lượng và tăng 38% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 341 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, diễn biến các hợp đồng tương lai tương tự các phiên gần đây khi tiếp tục rung lắc giằng co trong phiên nhưng lực đỡ trong phiên chiều đã giúp giá hồi phục trở lại. VN30F2407 đóng cửa thu hẹp đà giảm còn 2,3 điểm. Giá đang ở giai đoạn cuối của nhịp tăng từ 1.270 điểm, dự báo kịch bản điều chỉnh có thể xuất hiện từ vùng 1.315-1.318 điểm.

Nhận định về diễn biếnphiên giao dịch hôm nay, CTCK Vietcombank (VCBS) lưu ý, thanh khoản bán gia tăng trong phiên khiến thị trường có diễn biến rung lắc, tuy nhiên, lực cầu xuất hiện cuối phiên giúp chỉ số chung giữ vững mốc 1.280 điểm.

VCBS không thay đổi quan điểm và khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bán giảm những cổ phiếu không còn duy trì được xu hướng, phá vỡ vùng hỗ trợ và tìm đến những mã đi cùng xu hướng thị trường chung, thu hút dòng tiền ổn định. Một số nhóm ngành đáng chú ý là điện, dầu khí, thép.

CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, thanh khoản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng dần trong tuần giao dịch này và dòng tiền sẽ lan tỏa đều hơn các nhóm cổ phiếu, song dòng tiền sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hóa lớn và vừa. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần khi chỉ số USD và lợi suất USD tiếp tục hạ nhiệt nên áp lực tỷ giá trong ngắn hạn sẽ hạ nhiệt trong tuần giao dịch tới, điều này sẽ giải tỏa bớt tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung được nâng lên mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho danh mục ngắn hạn”, chuyên gia Yuanta Việt Nam cho biết.

 

Theo Tài chính tiền tệ