Vn-Index Phiên Cuối Tuần Tiếp Tục Mất Thêm 5 Điểm

Áp lực bán tháo vẫn chưa lùi bước khiến VN-Index tiếp tục giảm gần 5 điểm trong phiên giao dịch hôm nay, lùi về sát mốc 1.250 điểm.
image(3).png
Diễn biến thị trường

Thị trường mở cửa phiên cuối tuần hồi phục nhẹ 3 điểm nhờ lực cầu bắt đáy chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng với các mã như VIB, STB và VCB đều tăng nhẹ gần 1%. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản thu hút dòng tiền ổn định những phiên gần đây tiếp tục duy trì sức hút với các mã nổi bật như DXG, DIG, PDR.

Tuy nhiên lực cầu tích cực không duy trì được lâu, đến giữa phiên áp lực bán quay trở lại ở các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng và bán lẻ khiến VN-Index quay đầu giảm nhẹ về dưới mốc tham chiếu. Chỉ số tiếp tục lình xình tăng giảm với biên độ hẹp đến cuối phiên với thanh khoản phiên sáng tiếp tục sụt giảm và được ghi nhận ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và cao su bắt đầu gia tăng với GVR và SSB giảm mạnh trên 2%. Đến giữa phiên, mức giảm nới rộng do áp lực bán đến từ đa số các nhóm ngành. Điểm tích cực trong phiên là dù giảm điểm khá sâu nhưng thanh khoản trong phiên vẫn được duy trì ở mức thấp cho thấy áp lực bán phần nào đã giảm đi, và đây cũng là yếu tố góp phần giúp cho chỉ số thu hẹp phần nào mức giảm về cuối phiên.

image(4).png
Bản đồ thị trường

Nhóm VN30 cũng kém khả quan khi đóng cửa giảm hơn 4 điểm khi có tới 19 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là VPB, MWG, STB, VCB với mức tăng đều chưa vượt 0,5%.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành hóa chất giảm mạnh nhất hôm nay. Ở chiều ngược lại, ngành truyền thông, ô tô và phụ tùng có phiên giao dịch tích cực.

Thanh khoản thị trường suy yếu với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 14.750 tỷ đồng.

Khối ngoại đã ban ròng cả tuần giao dịch này và phiên cuối tuần cũng không phải là ngoại lệ khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với tổng giá trị bán ròng đạt 384 tỷ đồng, tập trung bán MSN, DGC, TCB.

image(5).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 4,69 điểm (-0,37%), xuống 1.252,72 điểm với 136 mã tăng và 207 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 569 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt 13.784 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 14% giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 44 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.355 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,03%), xuống 224,63 điểm với 56 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,9 triệu đơn vị, giá trị 614 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.712 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,26%), xuống 91,82 điểm với 137 mã tăng và 143 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 355 tỷ đồng, tăng 53% về khối lượng và ko thay đổi nhiều về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 29,5 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên dưới 10 điểm, với VN30F2411 giảm 10,8 điểm, tương đương -0,8% xuống 1.327,2 điểm, khớp hơn 225.950 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.100 đơn vị.

Tuần này VN-Index ghi nhận diễn biến điều chỉnh với biên độ hơn 30 điểm sau khi gặp áp lực bán gia tăng ở khu vực tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.290-1.300 điểm. Động lực của thị trường suy yếu qua từng phiên và áp lực chính đến từ sự rung lắc từ nhóm blue-chips khiến VN-Index mất đi điểm tựa cân bằng. Mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế ở phần lớn thời gian giao dịch trong tuần, điều tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn hiện hữu và dòng tiền có xu hướng tìm đến các nhóm ngành hoặc cổ phiếu riêng lẻ cho thấy nhà đầu tư vẫn chủ động tìm kiếm cơ hội.

CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục ở mức vừa phải, và đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể chọn lọc cổ phiếu với một số tín hiệu như vận động tích lũy bám sát đường MA20, kiểm chứng được vùng hỗ trợ thuyết phục và ít bị ảnh hưởng theo xu hướng cũng như diễn biến rung lắc của thị trường hiện tại để cân nhắc giải ngân cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn nhằm tận dụng những phiên bật nảy hồi phục của thị trường chung. Một số nhóm ngành có thể cân nhắc chọn lọc là bất động sản, viễn thông - công nghệ.

 

Theo Tài chính tiền tệ