VN-Index đóng cửa xanh nhẹ 0,83 điểm (+0,06%), vẫn tính là tăng, nhưng từ mức đỉnh +10,4 điểm, chỉ số đã đánh mất gần như toàn bộ trong khoảng 30 phút cuối là một thất bại. Thị trường tưởng như đã đột phá đỉnh hôm nay khi chớm vượt qua mức cao nhất hồi tháng 3/2024 nhưng sự kém đồng thuận của nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã tước đi cơ hội.
Chỉ số VN30-Index chốt phiên giảm 0,1% với 13 mã tăng/14 mã giảm, cũng không hẳn là xấu. Tuy nhiên biên độ dao động của nhóm blue-chips trong phiên thì tệ, hầu hết có một nhịp tăng khá mạnh rồi bất ngờ bị xả, khiến giá trượt dốc cả loạt.
Thống kê có tới 23/30 cổ phiếu của rổ VN30 đã lùi giá hơn 1% so với mức đỉnh, trong đó 8 mã tụt trên 2%. FPT gây bất ngờ lớn khi lại lập đỉnh lịch sử mới ngay từ khoảng 9h30 sáng, nhưng toàn bộ thời gian còn lại là một nhịp xả rất mạnh. FPT thanh khoản cao nhất thị trường với 895,5 tỷ đồng nhưng giá tụt tới 3,31% so với đỉnh cao nhất, chỉ còn tăng 0,72% so với tham chiếu. Một cổ phiếu cực mạnh gần đây là POW thậm chí đảo chiều thành giảm mạnh 1,79% so với tham chiếu, tương đương tạo “bull-trap” gần 3,85% trong phiên. GVR cũng không kém, đảo chiều với biên độ 3,17% so với đỉnh và chỉ còn tăng không đáng kể 0,14% so với tham chiếu lúc đóng cửa.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index thì hôm nay có tới 6 mã đỏ, 4 mã còn lại tăng rất kém là VCB tăng 0,11%, BID tăng 0,11%, FPT tăng 0,72%, VIC tăng 0,23%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 6/27 mã là xanh, hầu hết tăng rất yếu. 4 mã blue-chips giảm quá 1% của nhóm này là MBB, CTG, STB và HDB.
Mặc dù độ rộng của VN-Index cuối phiên không quá xấu, còn 189 mã tăng/236 mã giảm, nhưng sự thay đổi của độ rộng thể hiện áp lực bán đã xuất hiện trên diện rộng. Lúc 2h, tức là ngay trước khi lao dốc, sàn HoSE ghi nhận 249 mã tăng/172 mã giảm. Ở đỉnh chỉ số lúc 10h40 sáng, độ rộng là 256 mã tăng/127 mã giảm. Nói cách khác, dù nhịp giảm cuối phiên có yếu tố ép trụ khá rõ, nhưng số lớn cổ phiếu khác cũng đảo chiều theo.
Nhờ giá trượt dốc trong thời gian khá ngắn, lại từ đỉnh cao xuống nên biên độ giảm so với tham chiếu cuối ngày chưa nhiều. Sàn HoSE kết phiên có 75 mã giảm hơn 1%, thanh khoản chiếm khoảng 31% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Dù vậy tới gần một nửa số này (28 mã) giao dịch rất lớn trên 100 tỷ đồng. MWG, STB, POW, MBB, CTG, GEX, DCM, TCH, DBC khớp hàng trăm tỷ đồng mỗi mã.
Phía tăng cũng vẫn còn 77 mã tăng trên 1% nhưng thanh khoản chỉ chiếm 15,8% sàn. Điều này tiếp tục cho thấy khả năng giữ giá ở nhóm cổ phiếu nhỏ, thanh khoản thấp là chính. Nhóm tăng mạnh với thanh khoản trên trăm tỷ hôm nay là VNM tăng 3,79%, BCG tăng 4,32%, SIP tăng 6,9%, VRE tăng 1,81%, FTS tăng 2,39%, SAB tăng 6,84%, IJC tăng 2,25%, BCM tăng 2,09%, CTS tăng 2,05%, BVH tăng 3,05%, HHV tăng 1,14%.
VN-Index cũng có tới 17 mã đóng cửa giá kịch trần hôm nay và không bị sức ép cuối phiên lấn át. Dĩ nhiên đại đa số giao dịch chỉ vài tỷ tới vài chục tỷ đồng, trừ SAB, SIP là lớn. Nhóm tăng trong biên độ 2% tới 6% cũng rất nhiều mã giao dịch nhỏ. Diễn biến này cũng thể hiện khả năng đi ngược dòng chỉ có lợi ích cho một bộ phận dòng tiền hạn chế.
Thanh khoản khớp lệnh HoSE hôm nay tăng nhẹ 6% so với hôm qua, đạt khoảng 21.421 tỷ đồng. Tính chung cả HNX, giao dịch tăng gần 7%, đạt 23.230 tỷ đồng. Diễn biến của giá cho thấy thanh khoản cao này có yếu tố chốt lời rõ nét, chỉ là chưa đến mức “đánh quỵ” giá trên diện rộng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ 39,6 tỷ đồng trên HoSE và khoảng 32 tỷ đồng nữa trên UpCOM và HNX. Các mã được mua tốt là MSN +138,5 tỷ, VNM +121,4 tỷ, DGC +38,5 tỷ, GMD +30,8 tỷ, DHC +29,5 tỷ, DPM +26,9 tỷ, PC1 +25,7 tỷ, HSG +24,1 tỷ. Bên bán ròng có MWG -137,8 tỷ, KDH -83,3 tỷ, VHM -73,8 tỷ, FPT -62 tỷ, NLG -37,3 tỷ, VRE -28,1 tỷ, VPB -24,3 tỷ.
Theo Vneconomy