Trong phiên, các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng trên ba sàn với giá trị xấp xỉ 989 tỷ đồng.
Ngày 24/6, thị trường chứng khoán chào tuần mới bằng một phiên giao dịch ảm đạm với áp lực bán lấn lướt trên hầu hết các nhóm ngành. Đóng cửa, VN-Index giảm 27,9 điểm (2,18%) và xuống mức 1.245,12 điểm. Cùng với đó, HNX-Index mất 4,63 điểm (1,89%), xuống mức 239,74 điểm.
"Khi nền lãi suất cao duy trì lâu hơn, Fed chưa rõ thời điểm nới lỏng chính sách, các thị trường chứng khoán trên thế giới có thể có một đợt "định giá lại" do nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng", ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết.
Nếu như đầu giờ sáng hoạt động giao dịch trong xu thế giằng co, thì sang đến 10 giờ áp lực bán tăng lên nhanh chóng. Nhóm cổ phiếu VN30 dẫn đầu thị trường chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, các nhóm ngành nhựa-hóa chất, chứng khoán, khai khoáng bắt đầu đảo chiều về chung xu thế tháo chạy. Thời điểm thị trường tạm nghỉ giữa giờ, VN-Index giảm trên 18 điểm và xuống dưới mức 1,264 điểm.
Sang đến đợt giao dịch buổi chiều, khối lượng chào bán gia tăng trên diện rộng. Cùng với đó, dòng tiền tích lũy cũng xuất hiện khiến VN-Index rung lắc xung quanh mốc 1.264 điểm. Tuy nhiên về cuối ngày, lực cung giá rẻ tăng ồ ạt lấn lướt bên mua, VN-Index mất hậu thuẫn chấp nhận lao dốc giảm sâu.
Nhóm 10 cổ phiếu tác động chi phối đến đà giảm điểm của VN-Index trong phiên phải kể đến các mã GVR, VPB, FPT, HVN, MSN, BID, GAS, CTG, MBB, VCB. Về ngành nghề, các cổ phiếu nhóm chứng khoán, khai khoáng, sản xuất nhựa-hóa chất, dịch vụ tư vấn-hỗ trợ đồng loạt giảm trên 4% giá trị vốn hóa và các nhóm ngành khác hầu hết cũng không tránh được xu thế chung. Tuy nhiên, bốn nhóm tài chính, sản phẩm cao su, dịch vụ lưu trú-ăn uống-giải trí, nông-lâm-ngư nghiệp lội ngược dòng nước tăng nhẹ.
Kết thúc ngày giao dịch, toàn thị trường có 275 mã tăng giá, 705 mã đi ngang và 626 mã giảm giá. Thanh khoản toàn thị trường đạt 36.808 tỷ đồng, khối lượng tương ứng 1.474 triệu đơn vị. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng trên ba sàn với giá trị xấp xỉ 989 tỷ đồng
Đặc biệt, ông Ngọc cho rằng giá giảm trong khi thanh khoản tăng đột biến cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế. Với việc "thủng" qua các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, VN-Index cần lùi lại tích lũy các vùng thấp hơn để hấp dẫn dòng tiền. Trong ngắn hạn, chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm để tìm lại điểm cân bằng tại vùng 1.240-1.250. Nếu xuyên thủng ngưỡng này sẽ về quanh MA200 tại 1.190 - 1.200 điểm
Về chiến lược đầu tư trong thời điểm này, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư đang cầm nhiều cổ phiếu cần giảm bớt margin, hạ tỷ trọng cổ phiếu trong những vùng cân bằng chứ không nên "đua bán". Những nhà đầu tư cầm tiền có xu hướng đầu tư trung và dài hạn có thể tranh thủ nhịp giảm để tích lũy thêm cổ phiếu triển vọng tốt trong nửa cuối năm.
Nguồn An ninh tiền tệ, Cafef