Giá rớt một nửa
Chỉ mới vài ngày trước, giá sầu riêng Thái loại 1 được các chủ vựa săn đón, báo giá lên đến trên 200.000 đồng/kg. Thời điểm đó cứ ai có sầu riêng đang thu hoạch thì xem như trúng lớn, lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần công sức bỏ ra. Nhưng chỉ mới hôm sau, giá sầu riêng rớt gần một nửa. Giá sầu riêng Monthong loại A (2,7 hộc; 1,9 - 5,2 kg) tại kho được các vựa thu mua giá 113.000 - 115.000 đồng/kg; loại B (2,5 hộc; 1,7 - 5,7 kg) là 93.000 - 95.000 đồng. Tương tự, sầu riêng Ri 6 cũng lao dốc về 81.000 - 86.000 đồng hàng loại A; loại B 66.000 - 68.000 đồng/kg. Các mức này giảm hơn 50% so với tháng trước.
Chị Thủy Tiên, chủ vườn sầu riêng tại H.Cai Lậy (Tiền Giang), than thở: "Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nông dân làm được trái sầu riêng tốt phải đánh đổi rất nhiều thứ, tới ngày bán thì lái bảo tụt 40 giá (40.000 đồng/kg - PV), trong khi trước đó họ đã cọc rồi, chốt giá 115.000 đồng/kg rồi. Tôi không biết trước đó họ tranh giành kiểu gì, cũng có vào vườn ký hợp đồng này nọ, nhưng tới ngày thu hoạch thì than lỗ xin bớt còn 90.000 đồng/kg, rồi đến ngày cắt tiếp tục than lỗ giảm xuống 70.000 đồng/kg. Họ ép chúng tôi vào cái thế phải bán giá họ muốn, nếu không bán thì họ đi rêu rao nhà vườn không có tâm, không chia sẻ, hoặc họ sẽ neo cho rụng hết. Tôi mới thu hoạch lứa đầu tiên mà thấy chán nản rồi".
Cơ quan quản lý, cơ quan khuyến nông cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng sầu riêng, đặc biệt là khi loại trái cây này đang phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo và các lớp đào tạo có cấp chứng chỉ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, kỹ thuật nuôi trái, thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản với đối tượng được đào tạo là các chủ vườn, thương lái, thợ phân loại và những đơn vị xuất khẩu sầu riêng. Người dân và doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm vì thương hiệu chung của sầu riêng VN.
Ông Nguyễn Văn Mười (Phó trưởng đại diện phụ trách phía nam Hội Làm vườn VN)
Chị Đặng Thị Quyên, cùng ngụ H.Cai Lậy, bộc bạch: "Lúc giá cao thì thương lái tranh giành chốt cọc, đến lúc rớt giá thì cò cưa ép giá lại nhà vườn. Lúc họ bán có lãi không thấy chia lại cho nhà vườn đồng nào, lúc lỗ thì lại ép nhà vườn giảm giá. Năm nay thời tiết nắng nóng, năng suất sản lượng sầu riêng các vườn đều giảm, vườn nhà tôi chỉ thu hoạch được khoảng 60% sản lượng năm ngoái. Đợt đầu cách đây 1 tháng tôi bán được giá trên 110.000 đồng/kg, bây giờ giá rớt còn khoảng 70.000 đồng/kg".
Trao đổi với Thanh Niên chiều 12.4, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, thừa nhận: "Từ khoảng tháng 1 - 3 thì sầu riêng nghịch vụ miền Tây "một mình một chợ", không có ai cạnh tranh nên giá được đẩy lên cao. Hiện nay các nước khác như Thái Lan, Malaysia đã bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vụ, đặc biệt sản lượng của Thái Lan cao gấp đôi VN, chất lượng cũng cao hơn Ri 6 của VN, như vậy sầu riêng VN rớt giá cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, dù rớt giá nhưng người trồng vẫn có lãi, chỉ có điều không còn lợi nhuận "khủng" như thời gian trước".
Đừng chạy theo giá mà quên chất lượng
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, giá sầu riêng Thái loại 1 hiện nay vẫn đang được giao dịch trên 110.000 đồng/kg, đây mặc dù không phải là "đỉnh" nhưng vẫn là mức giá lý tưởng, cao nhất trong các loại trái cây hiện nay.
"Người trồng sầu riêng luôn muốn lợi nhuận cao nhưng thị trường cạnh tranh hiện nay không có gì là cao mãi được, sẽ có lúc xuống thấp. Sắp tới Malaysia được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, như vậy sẽ có thêm cạnh tranh. VN thì mới chỉ xuất được sầu riêng tươi, còn sầu riêng đông lạnh hy vọng được phê duyệt trong năm nay nhưng chưa biết thời điểm nào", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Đặc biệt, mối quan hệ liên kết giữa nhà vườn với thương lái và doanh nghiệp vẫn là vấn đề "nóng" khi chưa có sự gắn bó chia sẻ lợi ích.
Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết: "Năm nay sầu riêng Đắk Lắk lại đang phát triển nóng. Mặc dù chưa đến vụ thu hoạch nhưng để khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán trong vụ mùa trước tái diễn, phải có sự nỗ lực và thay đổi nhận thức từ chính quyền, người sản xuất và doanh nghiệp".
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận định thời gian qua, giá sầu riêng đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây và người trồng sầu riêng đã có lãi cao. Tuy nhiên, việc người nông dân cứ "đòi hỏi" phải bán được với giá cao nhất có thể mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
Chia sẻ kinh nghiệm vì sao giá bán và chất lượng sầu riêng của Thái Lan luôn ổn định, đại diện Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan tại TP.HCM cho biết: "Người Thái Lan rất chuyên nghiệp trong việc thu hoạch, đội ngũ cắt chuẩn, nhà vườn cũng hiểu đẹp/dạt là thế nào, tạo chất lượng sầu riêng đồng đều, đủ tiêu chuẩn. Sầu riêng non, khi bị phát hiện sẽ bị phun sơn đỏ, để không có cơ hội đem đi gạt bán tiếp cho người khác. Thái Lan còn tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo bắt buộc để chủ vườn, thợ gõ, thợ cắt được học tập, được cập nhật thông tin chung về chất lượng sầu. Quyết liệt hơn, Thái Lan có một lực lượng chuyên làm nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra và xử phạt bất kỳ cơ sở đóng gói nào có tình trạng mua bán sầu riêng non hay sượng".
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, tổng giá trị thu về của niên vụ sầu riêng năm 2023 khoảng từ 1 - 1,2 tỉ đồng/ha, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận thu về khoảng 700 triệu đồng/ha. Về lâu dài, tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn như hiện nay tại vùng ĐBSCL sẽ làm mất dần lợi thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm, thay vào đó tỉnh Đắk Lắk sẽ được xem là vùng thay thế phát triển tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Côn, để phát triển bền vững, người sản xuất cần phải thay đổi tư duy mua - bán để hài hòa lợi ích giữa các bên, quan trọng nhất là phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để bán được với giá tương xứng và giữ uy tín trong chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần công khai, minh bạch thông tin, đồng hành cùng nông dân với quan điểm "lãi cùng chia, rủi ro cùng chịu".
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), tình hình xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông quan trong ngày 11.4 là 1.400 xe, bằng với lượng xe xuất khẩu ngày trước đó. Trong đó, số phương tiện có hàng xuất khẩu là 479 xe gồm: 370 xe hoa quả, 109 xe mặt hàng khác. Số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn cuối ngày là 440 xe. Riêng mặt hàng sầu riêng vẫn xuất khẩu bình thường không bị ảnh hưởng hay giảm sút.