Uống cà phê muối gây hại sức khỏe không?

Cà phê muối là thức uống hot tại Việt Nam trong thời gian qua và đang dần nổi tiếng tại Anh và nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết loại đồ uống này có thể gây hại sức khỏe.

Tranh luận sôi nổi trend cà phê muối

Cà phê được cho là thức uống nóng phổ biến nhất trên thế giới, với khoảng hai tỷ cốc được tiêu thụ mỗi ngày.

Mọi người không chỉ yêu thích hương vị của cà phê mà còn vì lượng caffeine trong cà phê giúp mang đến ngày mới tràn đầy năng lượng. Các nghiên cứu cũng cho thấy uống cà phê với mức độ vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2 và bệnh tim.

Tuy nhiên, một xu hướng gần đây liên quan đến cà phê đang tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Đó chính là trend cà phê muối.

cà phê muối
Ảnh minh họa

 

Để pha cà phê muối, mọi người sẽ thêm một chút muối vào cà phê như một cách để chống lại vị đắng của thức uống và tăng hương vị.

Chia sẻ trên Daily Express, một chuyên gia cà phê tại Anh đã thảo luận về cả lợi ích và nguy cơ của cà phê muối.

Lợi ích khi uống cà phê muối

Elyas Coutts, chuyên gia về cà phê kiêm giám đốc điều hành công ty phân phối thực phẩm và đồ uống Connect Vending tại Vương quốc Anh, giải thích: “Việc thêm muối vào cà phê trở nên phổ biến trong nhiều năm ở các khu vực như Việt Nam, Hungary và Siberia”.

Tuy nhiên, gần đây, người Anh và một số quốc gia khác đang dần biết đến khái niệm này sau khi hình ảnh cà phê muối lan truyền trên TikTok, trở thành một chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Kể từ khi thu hút được sự chú ý trên TikTok, 8.000 người đã tìm kiếm từ khóa cà phê muối chỉ trong tháng qua, cho thấy sự tò mò ngày càng tăng đối với khái niệm này.

“Mặc dù hương vị của cà phê còn tùy thuộc mỗi cá nhân nhưng nhiều người thích cho thêm muối vào cà phê vì nó có thể làm giảm bớt vị đắng của thức uống và tạo thêm hương vị”, Elyas Coutts chia sẻ.

Theo chuyên gia Elyas, cà phê muối có thể có một số lợi ích đối với cơ thể.

Ông nói: “Thực sự có một số lợi ích sức khỏe khi thêm muối vào cà phê, vì cơ thể cần natri để cân bằng nước và chất điện giải, co bóp và thư giãn cơ bắp cũng như truyền các xung thần kinh”.

cà phê muối
Ảnh minh họa

 

Lưu ý quan trọng khi dùng cà phê muối

Mặc dù cà phê muối có lợi ích nhất định nhưng chuyên gia cảnh báo: “Điều quan trọng cần lưu ý là rất dễ tiêu thụ quá nhiều muối, điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe - đặc biệt đối với những người có huyết áp cao”.

Bên cạnh đó, ăn quá nhiều muối không chỉ có thể làm tăng huyết áp mà còn có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về tim và tuần hoàn. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra các rối loạn khác cho sức khỏe.

Theo Tổ chức Tim mạch Anh (BHF), người Anh đang ăn trung bình 8,6g muối mỗi ngày. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày, gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê).

Vì vậy, chúng ta không nên thêm muối vào cà phê nếu như đã có sẵn một chế độ ăn thừa muối.

Theo Tổ chức Tim mạch Anh, vấn đề quan trọng cần lưu ý là hầu hết lượng muối mà chúng ta tiêu thụ có sẵn trong các thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn… chứ không phải do chúng ta thêm vào khi nấu nướng. Điều này có nghĩa là ngoài việc gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng muối ăn vào cơ thể, con người còn phải điều chỉnh lại khẩu vị của bản thân.

Nếu muốn thử cà phê muối, chuyên gia Elyas cho biết: “Khuyến nghị của tôi là chỉ nên thêm một chút muối để thêm hương vị, muối này sẽ hòa tan tự nhiên trong giai đoạn pha cà phê. Ngoài ra, điều quan trọng là không nên lạm dụng nó vì lý do sức khỏe”.

Theo các chuyên gia, xu hướng thêm muối vào cà phê khó có dấu hiệu hạ nhiệt vào năm 2024 và có thể trở thành thói quen thường trực của nhiều người khi sử dụng loại thức uống này. Do đó, nếu lo lắng về huyết áp của mình, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn về chế độ ăn uống.

Nguồn Gia đình Việt Nam