Giao dịch giằng co xuyên xuốt phiên ngày 12/12, VN-Index vẫn nỗ lực duy trì được sắc xanh trong nhịp tích lũy quanh mốc 1.125 điểm, với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành.
VN-Index tiếp tục duy trì tốt nhịp tích lũy, giữ được sắc xanh trong phiên giao dịch sáng. Tuy không có nhiều sự thay đổi lớn về mặt chỉ số nhưng thị trường vẫn đang thể hiện sự phân hóa thông qua việc dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành.
Nhóm cổ phiếu thép ghi nhận mức tăng nổi bật nhất, xấp xỉ 1,6%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí và bán lẻ là 2 nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất, xấp xỉ 0,5%.
Sự giằng co, cân bằng vẫn được ghi nhận trong phiên chiều với tốc độ giao dịch chậm và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Sau phần lớn thời gian rung lắc, kết phiên giao dịch ngày 12/12, thị trường chứng khoán một lần nữa thoát thua điểm nhờ mức tăng 2,1 điểm ngay sát phiên ATC.
Các sàn giao dịch ghi nhận trạng thái cân bằng giữa phe mua và bán. Chỉ số nhóm VN30 tăng 3,9 điểm với lực kéo chính của bộ 3 BID, HPG và FPT. Đây cũng là những cổ phiếu thay thế họ Vin "gồng gánh" thị trường phiên này.
Tăng mạnh nhất là FPT (+1,9%). Từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ này đã phục hồi gần 12%, gần về lại vùng đỉnh lịch sử. Tiếp theo là mã bluechip tăng mạnh thứ hai là HPG (+1,6%). Từ cuối tháng 10 đến nay, cổ phiếu của Hoà Phát cũng đã phục hồi 15% và gần về lại vùng đỉnh 18 tháng. Tăng đáng kể trong rổ VN30 còn có BID (+1,2%), còn lại các mã khác chỉ tăng nhẹ. Chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là MSN -1,9%, BCM -1,1%, GAS, PLX, SAB, SHB, SSI, VNM giảm dưới 1%.
Với mức thanh khoản thấp, gần 14.000 tỷ đồng trên sàn HOSE và diễn biến giằng co, các cổ phiếu cũng giao dịch trong biên độ hẹp. Các nhóm tăng vốn hoá là Công nghệ thông tin (+1,79%), Bán lẻ (+0,41%), Vận tải kho bãi (+0,52%), Xây dựng (+0,4%), Ngân hàng (+0,31%), Thuỷ sản (0,19%), Bất động sản (+0,04%), Hoá chất (0,08%), tuy nhiên mức tăng không đáng kể.
Xét riêng từng nhóm ngành, Ngân hàng có VPB (0,3%), CTG (+0,6%), TCB (+0,6%), MBB (+0,6%), ACB (+0,4%), HDB (+0,3%), STB (+0,5%), SGB (+0,8%) giữ sắc xanh, dù cho sức tăng thấp, chỉ loanh quanh trên dưới 0,5%. Tăng mạnh nhất là BID và PGB, đều tăng 1,2%. Chiều giảm mạnh nhất là KLB (-2,5%), ngoài ra còn có ABB, LPB, NVB, SHB. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mã đứng tham chiếu.
Nhóm bất động sản được kéo lên bởi VIC (0+,5%), VHM (+0,1%), NVL (+0,6%), DXG (+0,5%), TCH (+1,2%)..., trong đó tăng mạnh nhất là NLG (+1,4%). Chiều giảm có BCM, PDR, CEO, KBC, VPI, ITA... trong đó PDR điều chỉnh mạnh nhất, giảm (-2,7%).
Với sự tích cực của HPG, thép trở thành nhóm có tác động tích cực nhất đến thị trường. Trong nhóm này, HSG (+0,2%) và NKG (+0,4%) cũng tăng nhẹ. Đáng chú ý, có POM (+7%) tăng trần lên mức giá 5.810 đồng/CP. Đây là phiên thứ hai liên tiếp, cổ phiếu của Thép Pomina “cháy hàng”. Từ cuối tháng 11 đến nay, mã đã tăng gần 30%.
Các nhóm ở chiều giảm là khai khoáng, chứng khoán, nông nghiệp, sản phẩm cao su, tiện ích, với mức điều chỉnh cũng không lớn. Nhóm chứng khoán giảm do SSI, SHS, VCI, HCM đều giảm giá. VND tăng nhẹ 0,5% còn VIX đứng tham chiếu. Chiều tăng mạnh nhất là APS +2,9%, VDS +1,8%...
Nhóm cổ phiếu nông nghiệp giảm do VIF, HNG, NSC, SSC. HAG vẫn chưa dứt đà tăng nhưng dòng tiền mua cũng giảm nhiệt, chỉ tăng 0,8%, lên mức giá 13.100 đồng/CP.
Điểm trừ là khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 10 liên tiếp với gần 327 tỷ đồng, trong đó tập trung xả FUEVFVND(-105 tỷ đồng), MSN (-64 tỷ đồng), VNM (-61 tỷ đồng), KBC (-40 tỷ đồng), SSI (-30 tỷ đồng), VCB và VPB bị bán ròng trên 30 tỷ đồng, STB và VCI bị bán ròng 20 tỷ đồng… Chiều ngược lại, VND được mua ròng 68 tỷ đồng, tiếp theo là HPG 33 tỷ đồng, VHC, PC1, VIC, NVL, BFC, VRE hơn 10 tỷ đồng...
Theo các chuyên gia, việc khối ngoại bán ròng liên tiếp gần đây có thể là động thái chốt lời cuối năm và sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Dù tỷ trọng giao dịch trên thị trường của khối này không lớn nhưng có tác động không nhỏ tới tâm lý chung.
Quan sát thị trường thời gian gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư cá nhân bị dao động tâm lý, không dám mua vào nhưng khi thấy khối ngoại bán ròng cũng lo sợ bán theo tạo áp lực bán trên thị trường tăng cao.
Theo Tạp chí tài chính