Các món ăn đặc sản Tây Nguyên ngon lạ rất đa dạng và phong phú từ tên gọi, cách thưởng thức cách chế biến đơn giản đến cầu kỳ. Điều thú vị là các món ăn đặc sản này được bắt nguồn từ đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc gắn liền với rừng nơi đây. Chính vì vậy, các món ăn mang nét bản sắc riêng và được chế biến các món đặc sản dựa vào chính kinh nghiệm và phong tục truyền thống nên khó có thể trộn lẫn với bất cứ vùng miền nào, có món ăn dân dã hấp dẫn mọi thực khách như: Lẩu gà lá sâm (Kon Tum); Phở khô hay còn gọi phở 2 tô (Gia Lai); Cơm lam – Gà nướng (Đắk Lắk); Lẩu cá lăng măng chua (Đắk Nông)… nhưng cũng có những món ăn với nguyên liệu độc lạ khiến du khách e dè chẳng dám thử gồm: bún thối; sâu muồng; ve sầu… Du lịch Tây Nguyên và khám phá bằng hết những món đặc sản ngon ở đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời để bạn bước vào thế giới ẩm thực đa màu sắc của xứ đại ngàn.
Ẩm thực Tây Nguyên: Muối cá lá é
Đây là đặc sản Tây Nguyên ngon và hấp dẫn được người Ê Đê sử dụng thường xuyên. Chỉ từ nguyên liệu là cá khô nướng, lá é, ớt, muối, sả, cỏ ngọt và các loại gia vị đem giã nguyễn là đã có thể thưởng thức. Tuỳ thuộc nguyên liệu cho vào giã mà hương vị của muối cá sẽ có sự thay đổi khác nhau. Món muối cá giã này hiện đã trở thành đặc sản được rất nhiều thực khách ưa thích và lựa chọn để mua về làm quà cho người thân sau chuyến du lịch.
Ẩm thực Tây Nguyên: Cá lăng Sêrêpốk
Cá lăng được xem là đặc sản Tây Nguyên do cá sinh sống rất nhiều tại sông Sêrêpốk. Đây là một loài cá nước ngọt và cũng là nguyên liệu tạo nên những món ăn độc đáo mang đậm hương vị của núi rừng. Người dân địa phương cho biết, Sêrêpốk được biết đến là dòng sông chảy ngược, lượng nước rất lớn và sâu.
Thịt cá lăng có vị thơm, ngọt đậm đà, béo béo rất đặc trưng và có thể chế biến thành nhiều món như cá lăng nướng ăn với lá păk cum chấm muối tiêu trộn ớt xanh giã nát hay cá lăng nấu với măng rừng, um cà đắng. Tuy nhiên món cá lăng gây ấn tượng nhất đó chính là lẩu cá lăng.
Để có nồi lẩu thơm ngon mang hương vị núi rừng Tây Nguyên, người nấu sẽ chọn những con cá Lăng khỏe, chắc thịt, ít xương và ngọt. Việc chế biến cá lăng rất cầu kỳ, đòi hỏi tài nghệ và sự điêu luyện của người chế biến, bởi chỉ một sự thêm thắt tùy tiện cũng làm mất đi hương vị hấp dẫn của loài cá quý ấy. Cá lăng chỉ có một rẽ xương sống chạy dọc theo thân.
Sau đó tẩm ướp gia vị gồm nước cốt của riềng, nghệ quyện với mẻ, mắm tôm, nước mắm trong khoảng 1 giờ. Ăn lẩu cá lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.
Ẩm thực Tây Nguyên: Phở khô
Phở khô hay còn gọi là phở hai tô là một trong những món đặc sản của Tây Nguyên. Đây là món phở nổi tiếng hấp dẫn được nhiều du khách ưa thích. Phở khô ở Tây Nguyên không giống món phở ở nhiều nơi khác, mà thực khách khi thưởng thức sẽ dùng với nước lèo từ xương, topping thịt đa dạng kết hợp cùng rau sống và tương. Điều đặc biệt là người ta sẽ dọn riêng phở khô và nước lèo để người dùng thưởng thức tạo nên trải nghiệm ẩm thực thú vị.
Một trong những điểm tạo nên sự khác biệt ở "phở 2 tô" chính là bánh phở khá đặc biệt. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng với hủ tiếu, nhưng thực chất đây là loại bánh phở đặc trưng chỉ có thể tìm thấy ở Gia Lai. Sợi phở ở đây tròn và mảnh chứ không mềm, dẹt như phở thông thường, khi trụng xong, có độ dai thơm chứ không bị nhũn.
Một phần ăn đầy đủ của phở khô Gia Lai sẽ bao gồm một tô phở khô, nước dùng, rau giá ăn kèm và một thành phần tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quyết định cho chất lượng tô phở - đó chính là chén tương đen.
Tô phở Gia Lai ngon đòi hỏi một chén tương hảo hạng, chuẩn vị. Những hạt đậu tương vùng cao nguyên, chắc mịn, to, bóng trải qua các bước nấu, ủ kỳ công tạo nên lớp tương sánh mịn, thơm ngon rất riêng.
Đây cũng là món ăn đã được Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam tôn vinh là một trong 121 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam.
Ẩm thực Tây Nguyên: Sâu muồng
Người Tây Nguyên thường trồng cây muồng để ngăn cách giữa các vườn cà phê và trên loài cây này có loài sâu muồng đặc sản được người bản địa rất ưa thích. Người ta có thể ăn sâu muồng từ giai đoạn đang là sâu tuy nhiên loại ngon nhất là khi sâu vào kén chuẩn bị hoá bướm hay còn gọi là nhộng. Nhộng chỉ cần sơ chế sạch đẹp đi chiên hoặc xào là đã có thể thưởng thức. Hương vị béo ngậy, ngọt bùi rất hấp dẫn của sâu muồng là điều khiến nhiều thực khách ưa thích. Tuy nhiên đây cũng là đặc sản dị khiến nhiều thực khách e ngại không dám nếm thử.
Ẩm thực Tây Nguyên: Gỏi lá rừng
Nhắc đến món gỏi không phải là món xa lạ với người Việt Nam, tuy nhiên gỏi là rừng, đặc sản Tây Nguyên lại là món gỏi đặc biệt và thú vị không chỉ với du khách mà với người dân Kon Tum, đây cũng là món ăn đặc biệt, mang hương vị của núi rừng đại ngàn.
Đặc sản gỏi lá rừng Kon Tum được chế biến từ 30 - 60 loại lá khác nhau, có một số loại lá đặc biệt, chỉ có ở Kon Tum như lá trâm, lá bứa, từ đại bi, lá ngành ngạnh đỏ… kết hợp với các loại lá phổ biến hơn như lá sung, lá ổi, lá chùm ruột, lá xoài, lá đinh lăng… Gỏi lá thường được ăn kèm với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm đất ram khô và bì heo. Món bì heo trông đơn giản nhưng lại đòi hỏi quá trình chế biến công phu, trải qua nhiều giai đoạn như thái nhỏ, giã riềng, trộn thính và gia vị. Món ăn này cũng không thể thiếu đi đĩa tiêu hạt, muối và ớt chỉ thiên, loại ớt cay và có màu xanh đặc trưng của vùng đất đỏ bazan.
Điểm ấn tượng nhất của món gỏi lá Kon Tum chính là nước chấm của món ngon này. Nước chấm gỏi lá không phải là nước mắm hay nước tương thông thường mà là gạo nếp lên men, có khi còn gọi là hèm rượu. Gạo lên men có mùi thơm lừng, ủ chung với tôm, thịt ba chỉ rồi xay nhuyễn, rồi phi hành khô thơm cho hỗn hợp đã xay vào trộn đều, thêm ít sa tế, gia vị và đun riu lửa cho tới khi lan tỏa mùi thơm là được.
Cách thưởng thức gỏi lá rừng cũng khá thú vị, khi thực khách chọn cuốn khoảng 10 loại lá rừng khác nhau thành hình phễu sau đó cho thêm thịt heo, tôm, bì lên trên và đừng quên cho thêm muối hạt, tiêu đen và múc thêm một thìa nước chấm chan đều lên cuốn gỏi và thưởng thức hương vị nồng nàn của nó.
Ẩm thực Tây Nguyên: Măng xào vếch bò
Đây là đặc sản ẩm thực Tây Nguyên ngon và hấp dẫn nhưng hầu như chỉ dân bản địa mới biết. Vếch bò thực chất chính là lòng phèo của con bò dù ăn hơi ngái và mùi khó ngửi nhưng lại có độ dai và giòn với người dân bản địa ở đây đều thích và cho rằng đó là món ăn hấp dẫn. Vếch bò kết hợp với măng tây Nguyên tạo thành món đặc sản rất bắt vị. Măng xào vếch bò là món ăn rất quen thuộc trong bữa cơm của người Tây Nguyên bản địa.
Ẩm thực Tây Nguyên: Heo rẫy nướng
Với người ngoài bắc, thịt heo được gọi là thịt lợn, còn miền Nam được gọi là thịt heo. Với người Tây Nguyên, heo được nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, ăn các loài thực vật hoang dã nên thịt rất chắc, ngon, phần da rất mỏng, ít mỡ. Các món phổ biến từ heo rẫy được người Tây Nguyên ưa thích là nướng muối ớt và heo nướng cao nguyên. Thịt nướng lên thơm phức, da vàng óng giòn tan trong khi thịt vừa mềm vừa ngọt kết hợp nước chấm muối ớt bản địa sẽ là tuyệt đỉnh.
Ẩm thực Tây Nguyên: Thịt bò nướng kiến vàng
Một trong những món đặc sản Tây Nguyên ngon và thú vị nhất phải kể đến bò nướng kiến vàng. Cách chế biến món ăn này tuy đơn giản nhưng sẽ mất chút công sức.
Theo đó, để món thịt bò nướng kiến vàng ngon sẽ cất công đi tìm những ô kiến vàng lớn cho miếng thịt vào tổ để chúng cắn hoặc mang ổ kiến vàng về cho miếng thịt vào để kiến đốt kín rồi mang đi nướng còn kiến sẽ đem đi rang để giã muối chấm . Thịt bò nướng mềm và mọng nước, muối chấm tiêu chanh sả trộn kiến vàng kiến món ăn thêm dậy vị.
Ẩm thực Tây Nguyên: Bún đỏ Đắk Lắk
Lần đầu thưởng thức đặc sản bún đỏ Đắk Lắk du khách sẽ cảm thấy khá lạ vì sợi bún không có màu trắng như bình thường, thay vào đó là màu đỏ rất bắt mắt. Sở dĩ như vậy vì bún được trụng vào nồi nước dùng hầm bằng xương heo, gạch cua và nước hạt điều. Sợi bún đỏ cũng to hơn bình thường, khi ăn sẽ có độ dai vừa phải.
Mỗi tô bún đỏ thường có các loại topping là thịt cua, thịt heo nạc thái mỏng, tóp mỡ, trứng cút, thêm rau sống ăn kèm là rau cần, giá đỗ, rau cải. Đây là món đặc sản Tây Nguyên rất thích hợp thưởng thức vào bữa sáng, giúp du khách no nê để vi vu chèo đèo, lội suối, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng.