Thực Hư Thân Thế Cô Gái Ăn Quỵt Ở Nhà Hàng 5 Sao

Theo mẹ của cô gái ăn tại nhà hàng 5 sao rồi bùng tiền, con gái bà có tiền sử bệnh trầm cảm, từng phải điều trị tại bệnh viện.

Thông tin với báo chí, bà N.T.N (ở Vĩnh Phúc, mẹ cô gái ăn tại nhà hàng 5 sao rồi bùng tiền ở Hà Nội) cho biết, con gái mình tên N.T.T (31 tuổi).

2009-thuc-hu-than-the-co-gai-an-quyt-o-nha-hang-5-sao-1_6657476509c02.jpg

Bà N cho hay, vợ chồng bà có 3 người con, trong đó T là con thứ hai và chưa lập gia đình. Cách đây hai tháng, T nói với mẹ về việc xuống Hà Nội để tìm việc làm, từ đó không thấy về.

Bà N đã nhiều lần gọi điện theo số của T nhưng không liên lạc được và cũng không biết tung tích con gái. Gia đình cũng nhiều lần đi tìm nhưng không gặp.

Cuối năm 2023, T từng bỏ nhà đi, gia đình tìm kiếm, đưa về nhà.

Thời gian vừa qua, thấy bệnh tình con gái ổn định và bảo xuống Hà Nội tìm việc nên bà N đồng ý nhưng sau đó không liên lạc được với T.

Trước đó, tối 28.5, mạng xã hội lan truyền thông tin về việc một cô gái gọi đồ ăn tại nhà hàng của một khách sạn 5 sao thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội nhưng không trả tiền.

Theo anh S (quản lý nhà hàng), cô gái vào nhà hàng, yêu cầu lấy thực đơn và gọi các món cao cấp gồm: bò Wagyu A5, tôm hùm nguyên con, rượu vang Đức, hoa quả. Tổng số tiền cần thanh toán là hơn 11 triệu đồng.

Quản lý nhà hàng đã tới nói chuyện với cô gái, đồng thời liên hệ công an can thiệp. Tuy nhiên, cô này không hợp tác, nằm ra ghế sofa, rồi rời đi mà không trả tiền.

Công an phường Cống Vị (quận Ba Đình) cho biết, khi công an tới can thiệp, có sự chứng kiến của những người liên quan, xác định cô gái có "tâm lý không bình thường".

Công an cũng cho hay, cô gái thường xuyên đi ăn không trả tiền. Về sự việc lần này, phía nhà hàng không yêu cầu xử lý vụ việc.

Cô gái ăn quỵt tại nhà hàng 5 sao ở Hà Nội có thể không phải chịu trách nhiệm

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), trong trường hợp khách hàng quỵt tiền mà có giấy xác nhận tâm thần, hay nói cách khác là giấy tờ chứng minh là người bị mất năng lực hành vi dân sự, vụ việc có thể được xử lý theo cách khác.

Theo Điều 22 của BLDS 2015, người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Tại Điều 586 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại thuộc về người giám hộ (nếu có).

Người giám hộ ở đây có thể là người thân, hoặc một người khác, tuỳ vào giấy tờ hồ sơ nhân thân của người được cho là mắc bệnh tâm thần.

Theo đó, người giám hộ có trách nhiệm dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ không muốn lấy tài sản của mình ra để bồi thường thì phải chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.

Do vậy, tùy thuộc vào kết luận điều tra, nếu đúng khách hàng mắc bệnh tâm thần thì người giám hộ có thể phải chi trả bồi thường thiệt hại cho nhà hàng.

 

Theo Lao động