Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 388 tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 4/2022, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu.
Cùng với đó, việc buôn bán vận chuyển hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh doanh thuốc không được phép lưu hành, niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ; vi phạm về nhãn hàng hóa trong kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…; tình trạng kinh doanh hàng giả mạo tem nhãn hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, trong đó tập trung ở các mặt hàng như: quần áo, giày dép, mũ, ba lô học sinh, thiết bị vệ sinh, phụ kiện điện thoại ...
Để đưa ra giải pháp kịp thời ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa, góp phần giữ ổn định thị trường đảm bảo cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tiếp tục tuyên truyền cán bộ, nhân dân các biện pháp chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
Kết quả trong tháng 4/2022, công tác chống buôn lậu, hàng cấm đã xử lý 138 vụ, trong đó: chuyển khởi tố 76 vụ, xử lý vi phạm hành chính 62 vụ, phạt tiền vi phạm hành chính 475 triệu đồng; công tác chống gian lận thương mại đã xử lý 157 vụ, phạt tiền vi phạm hành chính 1.188 triệu đồng; công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả đã xử lý 13 vụ, phạt vi phạm hành chính 95,2 triệu đồng.
Để đạt được kết quả như trên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên, cùng với việc phân tích, dự đoán, nắm bắt đúng tình hình, diễn biến thị trường, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời nhiệm vụ được giao, đồng loạt ra quân, tăng cường công tác phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố.
Trong thời gian tới Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các ngành thành viên theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn kiêm quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, không cung cấp xăng dầu cho các cơ sở bán lẻ nhằm trục lợi, bán xăng dầu giả, kém chất lượng; kiểm tra hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh than; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát; thực hiện kiểm tra, giám sát để ngăn chặn công tác buôn bán kinh doanh, vận chuyển: thuốc thú y, động vật, sản phẩm động vật; hoạt động kiểm dịch vận chuyển lợn, kiểm soát giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn; hoạt động thương mại điện tử; các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Theo Vietq.vn