Bác sĩ Đinh Văn Trung, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp, suy thận, đái tháo đường nhiều năm, vẫn duy trì dùng thuốc đều đặn (Metformin 2000 mg/ngày). Bà nhập viện trong tình trạng khó thở, thở nhanh, huyết áp tụt, tích tụ acid lactic trong máu nặng.
Theo bác sĩ, bệnh nhân lạm dụng thuốc đái tháo đường dẫn đến sốc, suy đa tạng, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa... Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, truyền dịch nhưng không đáp ứng, nguy cơ tử vong cao.
Sau hai ngày lọc máu liên tục, may mắn người bệnh dần hồi phục, rút ống nội khí quản, cai thở máy và không để lại di chứng. Hiện, bà được chuyển sang Khoa Nội tiết – Đái tháo đường điều trị, tiếp tục kiểm soát tình trạng đường huyết.
Bác sĩ cho biết, thuốc Metformin là nhóm thuốc sẵn có, rẻ tiền được sử dụng từ lâu ở người bệnh đái tháo đường tuýp 2, chuyển hóa qua gan, thận. Do đó, nhóm người bệnh suy giảm chức năng gan, thận cần dùng thuốc theo chỉ định, tránh tích tụ acid lactic gây suy đa tạng, tử vong.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ , người bệnh không được uống Metformin khi mức lọc cầu thận dưới 30 ml một phút và cần giảm liều khi mức lọc cầu thận dưới 45 ml trên phút. Người bệnh đái tháo đường cần được khám sức khỏe định kỳ và điều chỉnh phác đồ kiểm soát đường máu phù hợp từng giai đoạn bệnh.
Ngoài ra, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, giống như bất cứ một loại thuốc tây nào, người bệnh khi sử dụng metformin có thể gặp một số phản ứng phụ không mong muốn. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, ợ nóng; nổi ban, mề đay, nhạy cảm với ánh sáng; giảm nồng độ vitamin B12. Nếu nặng hơn có thể gây rối loạn sản sinh máu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan huyết, suy tủy, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt; nhiễm axit lactic.
Do đó, phụ nữ mang thai, cho con bú, người nghiện rượu và bệnh suy dinh dưỡng, trường hợp người bệnh bị tăng đường huyết thể ceton acid hoặc tăng đường huyết tiền hôn mê, bệnh tim mạch nặng, bệnh hô hấp nặng, nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn huyết, hoại thư và người nghiện rượu không nên sử dụng loại thuốc này.
Một số loại như nifedipin, isoniazid, thuốc lợi tiểu, corticosteroid, acid nicotinic, phenitoin, oestrogen, thuốc tránh thai uống, chế phẩm tuyến giáp sẽ làm giảm tác dụng của Metformin.
Một số thuốc Morphin, amilorid, digoxin, procainamid, quinin, quinidin, triamteren, ranitidin, trimethropim, vancomycin lại có tác dụng làm tăng độc tính của Metformin. Đây là các thuốc thải trừ qua thận.
Các bác sĩ sẽ không dùng Metformin với cimetidin do cimetidin làm tăng nồng độ đỉnh của metformin trong máu và huyết tương. Khi sử dụng thuốc metformin với các thuốc hạ đường huyết khác như insulin hoặc sulfonylurea, sẽ gây ra triệu chứng hạ đường huyết.
Người bệnh tiểu đường nên uống thuốc Metformin trong bữa ăn để tránh gây tác dụng phụ về tiêu hóa. Khi uống thuốc thì không được nhai viên thuốc. Không sử dụng rượu, bia hay sulfonylurea, khi đang điều trị thuốc, bởi nó có thể gây hạ đường huyết.