Mối lương duyên từ tình yêu dành cho di sản

Câu chuyện của Sulwhasoo bắt đầu gần một trăm năm trước tại Kaesong – Hàn Quốc từ những giọt tinh dầu hoa trà của nghệ nhân bậc thầy – bà Yoon Dok-Jeong, cũng là mẹ của nhà sáng lập Amorepacific - ông Seo Seong-hwan. Tuổi thơ gắn liền với thứ tinh dầu mang sức mạnh làm đẹp ưu việt đã nuôi dưỡng trong ông một tình yêu sâu sắc đối với minh triết Đông Y Hàn Quốc và những thảo dược bản địa quý giá. Trên nền di sản, Sulwhasoo tối ưu công nghệ hiện đại, mở ra kỷ nguyên mới của nghệ thuật dưỡng nhan - nơi vẻ đẹp của người phụ nữ được nâng niu một cách toàn diện.

Không chỉ khai mở cho cuộc chinh phục toàn cầu của ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc, hành trình của Sulwhasoo còn là sự tìm về cội nguồn văn hoá và lan tỏa ánh hào quang của di sản truyền thống vào mạch sống đương thời. Khát vọng ấy được thương hiệu hiện thực hóa trong dự án “Beauty from Culture” triển khai tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Những cái bắt tay xoá nhoà biên giới của loại hình nghệ thuật và vị trí địa lý của Sulwhasoo với các nghệ nhân bậc thầy ở nước nhà hay những “thánh đường” nghệ thuật phương Tây như Bảo tàng Metropolitan, đã tạo nên nhiều hiện tượng văn hoá thú vị và giàu tính lan tỏa.

Khi hành trình “Beauty from Culture” dừng chân tại Việt Nam, Sulwhasoo tìm thấy sự đồng điệu ở Bát Tràng Museum - bảo tàng gốm được xây dựng nên bởi chính những con người sinh ra từ cái nôi của di sản 700 năm bên tả ngạn sông Hồng. Với các tác phẩm từ dòng thời gian quá khứ tới những sáng tạo mang hơi thở hiện đại, Bát Tràng Museum khơi nguồn làn sóng tiên phong, làm sống lại những giá trị truyền thống trong bối cảnh các làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Hai tinh thần chung nhịp sẽ cùng nhau viết nên câu chuyện về văn hoá và di sản mang tên “Gốm Sắc Xuân Thì” – một cái bắt tay trải dài từ các sự kiện đặc sắc cho đến những tác phẩm nghệ thuật khắc ghi dấu ấn chung. Tất cả đều được đặt trong cuộc đối thoại đầy cảm hứng giữa kỹ nghệ gốm Việt và tinh hoa dưỡng nhan Hàn Quốc, để cùng cất tiếng tôn vinh một vẻ đẹp Á Đông trường tồn.

“Gốm Sắc Xuân Thì” - Lời tụng ca vẻ đẹp Á Đông

Mở màn cho sự hợp tác ý nghĩa giữa Sulwhasoo và Bát Tràng Museum, sự kiện pop-up "Gốm Sắc Xuân Thì" đã chính thức diễn ra vào ngày 10/5/2025 tại Hà Nội. Hơn 30 hoa hậu, siêu mẫu, beauty blogger và các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực làm đẹp đã hội ngộ để tôn vinh những giá trị di sản quý báu thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật và làm đẹp. Trong đó, không thể không nhắc đến những cái tên như: hoa hậu Hà Kiều Anh, hoa hậu Giáng My, á hậu Phương Anh, á hậu Thuỷ Tiên, siêu mẫu Tuyết Lan, MC Hoàng Oanh, giám đốc sáng tạo Tạp chí Đẹp - Hà Đỗ…

Giữa không gian trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất, Sulwhasoo và Bát Tràng Museum đã cùng nhau tạo nên một bảo tàng văn hoá thu nhỏ. Tại đây, những chế tác gốm độc bản và các sản phẩm làm đẹp cao cấp đã dẫn dắt khách mời qua dòng thời gian từ di sản đến cách tân của Sulwhasoo và Bát Tràng Museum Atelier.

Hành trình “Gốm Sắc Xuân Thì” bắt đầu từ điểm hẹn lịch sử “Heritage Zone”, nơi tái hiện bề dày 700 năm của gốm Bát Tràng và gần một thế kỷ Sulwhasoo đưa bí thuật dưỡng nhan Hàn Quốc vươn ra toàn cầu. Đặc biệt, các vị khách đã có dịp cảm nhận vẻ đẹp giao thoa giữa di sản truyền thống và công nghệ hiện đại ngay trên chính làn da của mình qua các phiên bản First Care Activating Serum - “trái tim” của triển lãm lần này. Ra mắt vào năm 1997 và là tinh chất bán chạy số một của Sulwhasoo, dòng sản phẩm này cô đọng triết lý làm đẹp của thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu Hàn Quốc: dung hoà giữa minh triết Á Đông ngàn xưa và khoa học hiện đại để nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong, tôn vinh vẻ đẹp nhuận sắc theo thời gian của người phụ nữ.

Tại sự kiện, Sulwhasoo và Bát Tràng Museum Atelier (xưởng gốm gần 50 năm tuổi thuộc Bảo tàng) đã chính thức ra mắt các tác phẩm hợp tác độc quyền trong khuôn khổ “Gốm Sắc Xuân Thì”. Tâm điểm là chiếc bình Moon Jar – di sản gốm sứ Hàn Quốc có nguồn gốc từ triều đại Joseon ở thế kỷ 19 – được chế tác bằng chính kỹ nghệ và sự khéo léo của những nghệ nhân gốm Việt Nam bậc thầy. Với biểu tượng hoa mai mơ đặc trưng của Sulwhasoo hoà quyện cùng men gốm Bát Tràng, những món quà này được gửi các vị khách quý như một thông điệp của hai thương hiệu về việc đưa nét đẹp văn hoá truyền thống hiện hữu trong đời sống hiện đại.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Kim Hằng – Brand General Manager của Sulwhasoo Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của cội nguồn văn hoá trong bản sắc của Sulwhasoo: “Song song với sứ mệnh nâng niu vẻ đẹp vượt thời gian của người phụ nữ, chúng tôi đã khởi xướng dự án ‘Beauty From Culture’ và triển khai trên toàn cầu. Và giờ đây khi hành trình ấy đến Việt Nam, Sulwhasoo tìm thấy sự đồng điệu ở Bát Tràng Museum - một bảo tàng gốm ngay giữa lòng di sản, nơi không chỉ trân giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống, mà còn nỗ lực mang gốm Việt Nam hòa cùng nhịp sống hiện đại và vươn tầm quốc tế. Chúng tôi tin rằng, dù đến từ những nền văn hoá khác nhau, cả hai nói chung một ngôn ngữ: đó là tinh thần Á Đông bất diệt thông qua nghệ thuật và làm đẹp.”

Ông Vũ Khánh Tùng, giám đốc Bát Tràng Museum - giám đốc sáng tạo của Bát Tràng Museum Atelier cũng chia sẻ về sự đồng điệu làm nên mối lương duyên với biểu tượng dưỡng nhan Hàn Quốc: “Là một người con sinh ra và lớn lên cùng di sản gốm Bát Tràng, tôi đặc biệt thấu hiểu và trân trọng tình yêu cũng như tâm huyết mà Sulwhasoo dành cho văn hóa truyền thống. Thật vinh dự khi Bát Tràng Museum có thể cùng thương hiệu viết nên một chương ý nghĩa trong câu chuyện ‘Beauty from Culture’. Thông qua sự hợp tác này, tôi cũng hy vọng di sản gốm Bát Tràng có thể đến gần hơn với những tâm hồn yêu làm đẹp và trân trọng giá trị mà ngàn xưa để lại.”

Vượt xa hơn cả nỗ lực để bảo tồn những di sản hữu hình, Sulwhasoo và Bát Tràng Museum còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của tinh hoa truyền thống từ khía cạnh con người. Tại sự kiện, hai thương hiệu cũng tiết lộ, Sulwhasoo sẽ đồng hành cùng Quỹ Phát triển Tài năng Trẻ của Bát Tràng Museum trong một năm, thông qua các hoạt động như nghiên cứu và xây dựng các quỹ học bổng hợp tác với các tổ chức cụ thể, nhằm hỗ trợ những tài năng trẻ trong lĩnh vực sản xuất thủ công. Các đối tượng nhận hỗ trợ bao gồm sinh viên khoa gốm tại Đại học Mỹ thuật, đội ngũ thợ vẽ thuộc các câu lạc bộ gốm sứ tại làng Bát Tràng, và những nghệ sĩ trẻ quan tâm đến gốm, có nguyện vọng phát triển sáng tác nghệ thuật tại các xưởng gốm tại Bát Tràng.