Các siêu thị tăng nhập hàng từ các nhà cung cấp ở miền Nam
Bão Yagi đổ bộ các tỉnh, thành miền Bắc, gây ngập úng cho hơn 124.500 ha lúa, trên 28.880 ha hoa màu và cây ăn quả, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên... là những địa phương chịu nhiều thiệt hại.
Điều này ảnh hưởng tới nguồn nhập hàng của các chuỗi siêu thị miền Bắc. Các nhà cung cấp mặt hàng tươi sống (rau củ, quả, hải sản) cho các siêu thị tại phía Bắc của AEON Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bão, ngập lụt. "Mưa lớn làm cây trồng, hoa màu dập nát, úng ngập nước. Biển động nên đánh bắt hải sản cũng khó khăn", bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua Khu vực miền Bắc & Trung AEON Việt Nam cho biết.
Bốn nông trại WinEco - nơi cung cấp 80% sản lượng rau, củ cho Winmart - cũng bị thiệt hại sau bão. Chưa kể, nhiều địa phương ngập sâu và sạt lở do hoàn lưu bão Yagi cũng khiến vận chuyển hàng từ kho đến các siêu thị, cửa hàng gặp trở ngại. Theo MM Mega Market, họ gặp khó khi chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng cuối, do phải sử dụng ôtô tải thay vì xe máy. Thời gian giao hàng vì thế kéo dài hơn trước.
Để đủ nguồn cung, các siêu thị tìm phương án thay thế. Họ điều chuyển, tăng nhập hàng từ các nhà cung cấp ở miền Nam, Lâm Đồng ra Bắc.
Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết từ cuối tuần trước, họ tăng nhập hàng từ các đơn vị cung ứng ở Đà Lạt. Sản lượng hàng giao cho các siêu thị của chuỗi này tại miền Bắc và Trung tăng gấp đôi, trung bình 75-80 tấn mỗi chuyến. Hai ngày qua có 4 chuyến hàng, khoảng 150 tấn rau củ quả được chuyển từ miền Nam tới các siêu thị phía Bắc, theo đại diện Central Retail Việt Nam.
Nguồn hàng từ miền Nam sẽ bù đắp thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, bầu bí, mướp đắng. Hai ngày qua, gần 100 tấn rau củ mỗi ngày được vận chuyển, phân phối cho các siêu thị của Winmart tại phía Bắc.
Tại MM Mega Market, thông thường, nông sản từ Lâm Đồng đi Hà Nội khoảng 12-15 tấn mỗi tuần, nay tăng lên 3 chuyến với 40 tấn cung ứng cho các siêu thị ở Thủ đô.
"Mộc Châu (Sơn La) bị lũ, rau củ phân phối cho khu vực phía Bắc phải vận chuyển thêm từ Lâm Đồng", đại diện MM Mega Market cho biết.
Bốn ngày qua, trung tâm phân phối của Saigon Co.op cũng hoạt động hết công suất, tăng gấp 3 chuyến xe so với ngày thường. Họ tăng mua các mặt hàng rau xanh (rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua ...) từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nam Bộ.
Ngoài thay đổi nguồn nhập, các chuỗi bán lẻ cũng làm việc với nhà cung cấp để tăng dự trữ hàng thiết yếu (gạo, mỳ tôm, đồ đông lạnh, sữa...) tại kho và siêu thị, đáp ứng khi sức mua tăng. MM Mega Market cho biết hai tuần tới họ sẽ dự trữ thêm thực phẩm để tránh gián đoạn nguồn cung nếu Hải Dương và Mộc Châu tiếp tục bị ngập.
Dù chi phí vận hành, chuyển hàng tăng đáng kể, hầu hết các siêu thị lớn cho hay họ giữ giá ổn định với các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau củ), sản phẩm thiết yếu như gạo, mỳ tôm.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hàng thiết yếu cho các địa phương bị chia cắt, cô lập do lũ như Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái... vẫn đảm bảo.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương tại 35 tỉnh thành chuẩn bị, có phương án điều phối vận chuyển, cung ứng hàng hóa trong bối cảnh mưa lũ ở phía Bắc diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo "người dân không tích trữ quá mức cần thiết, để ưu tiên hàng, thực phẩm cho các nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do bão".
Theo VnExpress