Sản phẩm SPO ROYAL quảng cáo ‘xử lý tận gốc viêm đại tràng’ là lừa dối, không đúng công dụng

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe SPO ROYAL do Công ty cổ phần H&H GLOBAL Việt Nam phân phối đang quảng cáo sai công dụng có thể chữa được bệnh về đại tràng, tá tràng. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh thông tin và làm rõ.

"Vẽ" thêm công dụng như thuốc chữa bệnh

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) có những bước tiến rất đáng kể. Thế nhưng, đánh vào thị hiếu khách hàng, nhiều sản phẩm TPBVSK bất chấp quy định pháp luật quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhằm mục đích vụ lợi, khiến khách hàng như rơi vào ma trận, không biết thật giả. Thậm chí, khiến nhiều người hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chính là thuốc chữa bệnh.

Để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng của TPBVSK, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nhiều đơn vị, buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo TPBVSK và thông tin tới dư luận, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày một tinh vi hơn.

Điển hình, một số tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Thời gian qua, thông qua thông tin bạn đọc, Toà soạn Chất lượng Việt Nam liên tục nhận được phản ánh về việc sản phẩm TPBVSK SPO ROYAL quảng cáo trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi giới thiệu, quảng cáo sai công dụng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, tại trang https://www.daitrang.us/, https://www.hhglobal.vn/, sản phẩm SPO ROYAL được giới thiệu là “đột phá” cho người viêm đại tràng, hiệu quả nhanh và không tác dụng phụ. Theo quảng cáo, TPBVSK SPO ROYAL được bào chế bởi nhà khoa học đầu ngành về Khoa học Y sinh – Biomedical Sciences, sản phẩm này có thành phần trên 3 tỷ (3 x 10ˆ9) bào tử lợi khuẩn Bacillus clausii, Bacillus subtilis, nước cất tinh khiết tạo môi trường và sử dụng công nghệ BBE Anh quốc. Tuy nhiên, những thông tin này không có tài liệu đăng kèm chứng minh.

 Sản phẩm SPO ROYAL quảng cáo sai công dụng trên mạng xã hội.

Ngoài ra, TPBVSK SPO ROYAL còn “nổ” công dụng xử lý tận gốc viêm đại tràng mà không lo tái phát; chỉ cần 2 lần/ngày sẽ hết đau bụng, hết đi ngoài, tiêu ổ viêm, lành vết loét.

Nếu chỉ nghe vào những quảng cáo này đa số người dùng đều cho rằng có cơ hội được sử dụng sản phẩm mang tầm quốc tế với công dụng thần kỳ hơn thuốc chữa bệnh. Nhưng với những người hiểu biết, có kiến thức về TPBVSK quảng cáo trên khiến họ hoang mang, lo lắng về chất lượng sản phẩm có được như quảng cáo hay không và bức xúc tại sao quảng cáo trên vẫn chưa bị cơ quan chức năng “tuýt còi”?

Sử dụng hình ảnh bác sỹ để quảng cáo

Để tạo uy tín cho sản phẩm, những trang web trên còn đăng tải thông tin nhiều y, bác sỹ như: PGS. TS Bùi Hữu Hoàng – Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh; PGS. TS. BS Vũ Văn Khiên – Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108; PGS. TS. BS Vũ Thị Hồng Vân - Phó trưởng khoa tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai để quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm.

Tham chiếu với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có quy định rõ ràng: "Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, sản phẩm SPO ROYAL đang sử dụng hình ảnh của các bác sĩ là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

 Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua sản phẩm SPO ROYAL sử dụng.

Theo tìm hiểu của PV, TPBVSK SPO ROYAL do Công ty cổ phần H&H GLOBAL Việt Nam (Văn phòng đại diện số 468 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) phân phối, đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Thế Toàn. Theo bản công bố số 00317/2020/ATTP-XNQC mà Cục ATTP - Bộ Y tế cấp cho đơn vị này thì sản phẩm SPO ROYAL chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có công dụng hỗ trợ bổ sung lợi khuẩn, hỗ trợ duy trì hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ hạn chế các biểu hiện và giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột, không phải là thuốc chữa bệnh, điều trị, xử lý, làm lành viêm lóet đại tràng, tá tràng... như những quảng cáo nêu trên. 

Trước khi cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ, thiết nghĩ, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình, tỉnh táo trước những quảng cáo khoa trương, sai sự thật về sản phẩm SPO ROYAL. Để tránh việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPBVSK SPO ROYAL như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật, khiến người tiêu dùng hiểu lầm…, đề nghị Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;

Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.

Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.

Theo Vietq.vn