Định vị thị trường
Hoạt động chốt lời của các thị trường chứng khoán châu Á không làm thay đổi xu hướng tích cực của nhiều chỉ số. Sau các phiên giảm nhẹ, NIKKEI 225 (+0,9%), TWSE (+0,37%) vẫn có những nỗ lực hấp thụ lại nguồn cung. Chỉ số KOSPI (-0,07%) của Hàn Quốc đã có một phiên tăng "hụt" do chưa kịp đảo chiều cuối phiên.
VN-Index cũng cần phải cân đối lại cung cầu ở vùng đỉnh 19 tháng nên việc xuất hiện thêm nhịp rung lắc cũng khá bình thường. Chỉ số đã không nhận được thêm lực đẩy của ngân hàng thay vào đó là một số mã lớn như MWG, MSN, SSI, VJC đã làm nhiệm vụ thay thế để có thể kịp thời đảo chiều tăng điểm nhẹ.
Chất xúc tác
Việc thiếu đi giao dịch của nhà đầu tư tại VNDIRECT cũng đang góp phần khiến cho thanh khoản của HOSE có phiên thứ 2 ở dưới mức bình quân 20 phiên. Quy mô khớp lệnh của sàn đạt 803,25 triệu đơn vị và đã không có bất kỳ một cổ phiếu nào vượt qua ngưỡng giao dịch 1.000 tỷ đồng.
Tỷ trọng đóng góp giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vào tổng giao dịch 2 chiều có sự tăng đột biến so với mức thường thấy, đạt 17,4%. Nguyên nhân đến từ hoạt động bán ròng đột biến MSN (-1.078 tỷ đồng) trong khi các mã VIX (-177 tỷ đồng) VHM (-135 tỷ đồng), GEX (-118 tỷ đồng) cũng bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Trên kênh liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) dù đã giảm đáng kể quy mô chào thầu tín phiếu nhưng vẫn duy trì hoạt động đấu thầu lãi suất. NHNN đã hút ròng 3.700 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 155.598,8 tỷ đồng.
Phản ứng của lãi suất liên ngân hàng gần đây cũng đã trở nên nhạy hơn việc bật tăng khá mạnh từ đầu tuần. Theo thống kê của Refinitiv Eikon, sáng nay lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được giao dịch ở mức 0,32%.
Vận động thị trường
Nhà đầu tư buộc phải thích ứng với rung lắc của thị trường khi chỉ số đã vào vùng đỉnh 19 tháng. Trong phiên hôm qua, rung lắc chỉ diễn ra trong khoảng đầu phiên nhưng chỉ số đã nhanh chóng được kéo lên khá nhanh sau đó. Đến phiên hôm nay 27/3, rung lắc xuất hiện nhiều hơn và cũng dài hơn.
Động lực từ ngân hàng không được ghi nhận rõ rệt khi TCB (-0,9%), BID (-0,9%), VCB (-0,5%), HDB (-0,2%) giao dịch trái chiều với MBB (+0,2%), ACB (+0,2%), CTG (+0,9%), TPB (+0,3%). Trong khi đó, VPB (0%), SHB (0%) lại đóng cửa ở tham chiếu.
Biên độ dao động của ngân hàng là không đáng kể nên các mã MWG (+4,2%), MSN (+1,9%), SSI (+1,3%), VJC (+1,1%), SAB (+1,1%) vẫn đủ năng lực đảm nhận trọng trách đỡ điểm số. VN-Index tới cuối phiên vẫn kịp đảo chiều tăng 0,88 điểm (+0,07%) lên 1.283,09 điểm. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 24.060 tỷ đồng.
Sự đồng thuận của thị trường cũng giảm bớt thể hiện qua độ rộng cân bằng với 44,53% mã tăng so với 38,14% mã giảm giá. Dù vậy, vẫn có một số mã tạo ra điểm nhấn như VSC, CSV, QCG tăng trần còn CTR (+5,7%), DPG (+4,11%), HDG (+2,06%), SBT (+2,4%), HCM (+2,47%), DIG (+2,5%), DXG (+2,27%).
Trên HNX và UPCoM, TNG (+3,65%), DXP (+5,84%), VGI (+7,82%), AAS (+4,35%), DRI (+2,4%), QNS (+2,91%) cũng ghi điểm tích cực trong đó VGI giao dịch hơn 150 tỷ đồng. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 0,34% và giảm 0,03%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo Tài chính tiền tệ