Liệu những người không cần mất tiền để thuê (hoặc mua nhà), đang ở cạnh gia đình có thực sự để dành được nhiều tiền tiết kiệm hơn? Cùng lắng nghe tâm sự của người trong cuộc nhé!
Ở cùng bố mẹ nhưng tiêu tiền vẫn "nhiều như nước"
Quỳnh Mai (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đang sống cùng gia đình ở ngoại thành Hà Nội. Cô chia sẻ, hàng tháng cô đưa cho cha mẹ 4 triệu đồng để trả tiền điện nước và mua đồ ăn. Còn lại bao nhiêu trên tổng thu nhập, Quỳnh Mai giữ lại dành cho nhu cầu cá nhân.
Ở cùng nhà với cha mẹ, được hỗ trợ phần nào tài chính thì những tưởng có thể để dành được nhiều tiền. Tuy nhiên, khoản tiết kiệm của Quỳnh Mai gần như bằng 0.
Mai chia sẻ: "Sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt gửi bố mẹ, mình còn 12 triệu đồng từ tiền lương để dành cho bản thân. Với 12 triệu đồng này, mình thường tốn 1/3 dành cho mua trang phục và mỹ phẩm, 1/3 dành cho công việc, còn lại để đi chơi, du lịch, mua đồ yêu thích, sắm thứ linh tinh tặng gia đình,... Nói chung, cứ cuối tháng là mình hết sạch tiền. Tháng nào, sống chắt bóp lắm mình mới dư 1-2 triệu đồng, nhưng sang tháng sau là tiêu hết sạch".
Tương tự Quỳnh Mai, Thắng (24 tuổi, Hà Nội) cũng không khá khẩm hơn là bao. Dù không đóng tiền nhà và chi phí sinh hoạt, nhưng anh chàng vẫn tiêu hết sạch tiền lương kiếm được.
Thắng cho hay: "Vừa mới ra trường, đi làm có tiền nên mình chi tiêu khá thoáng tay. Lương tháng tầm 10 triệu đồng cũng thường xuyên tiêu hết sạch. Khi mình nói bản thân có nhà sẵn ở Hà Nội, đạt mức lương khoảng 10 triệu đồng, ai cũng nghĩ mình phải tiết kiệm được ít nhất vài ba đồng mỗi tháng, không thể có chuyện trắng. Nhưng thực tế tháng nào mình cũng không còn dư đồng nào cả. Kiếm được bao nhiêu là mình tiêu hết sạch bấy nhiêu.
Mình nghĩ lý do không chỉ xoay quanh việc lương thấp, mà còn vì bản thân chỉ nghĩ đến tiêu tiền chứ chưa quan tâm đến tiết kiệm. Với tâm lý này, mình rất muốn tự thưởng và tận hưởng cuộc sống dư dả sau khi được làm người lớn và tự chủ tài chính này.
Còn với Thảo (21 tuổi, TP.HCM) cũng thường xuyên tiêu hết tháng lương 6 triệu đồng cho những nhu cầu cá nhân. "Mình đang sống cùng gia đình, không mất tiền cho nhà cửa nên tiêu xài thường xuyên quá tay. Tất nhiên, mình vẫn dùng hết tiền lương thôi, chứ chưa bao giờ cần vay nợ. Những khoản chi tiêu của mình thường là mua sắm quần áo, phụ kiện, ăn ngoài và đi chơi với bạn bè là nhiều".
Dù sao vẫn nên học cách tiết kiệm
Rõ ràng, việc sống cùng cha mẹ không thể giúp bạn tiết kiệm hơn nếu vẫn cứ xài tiền phung phí. Với Thắng, anh chàng cho rằng sắp tới sẽ cần lên ngân sách tiêu phù hợp, rõ ràng.
"Không thể để tình trạng kiếm được bao nhiêu cũng tiêu hết sạch tiếp tục tái diễn. Về lâu dài, nếu ở nhà cùng cha mẹ mà không đưa tiền là không ổn, nên mình sẽ cố gắng tiết kiệm 1/3 thu nhập để gửi cha mẹ. Và để có tiền lương đưa cho phụ huynh, mình sẽ cần cắt giảm chi tiêu nhiều hơn, cũng như tìm cách để tăng thu nhập bên ngoài, chẳng hạn đầu tư cũng là một gợi ý tốt", Thắng nói.
Còn về phía Quỳnh Mai, cô nàng cũng lên kế hoạch để kiểm soát chi tiêu và bắt đầu tiết kiệm tiền. Ngoại trừ những chi phí cố định như xăng xe hay ăn sáng, cô nàng sẽ cắt giảm các chi tiêu cho cá nhân như tiền mua quần áo, đi du lịch.
Quỳnh Mai chia sẻ: "Bây giờ sau khi nhận lương mình đều chuyển vào tài khoản tiết kiệm online trước khi chi tiêu. Mình sẽ cố gắng xoay xở với khoản tiền còn lại. Có đôi lúc sẽ bị thâm hụt nhưng đó cũng là cách để mình tự học cách quản lý tài chính tốt hơn".