Nhiều đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã tăng khá nhanh những năm gần đây, đó là nhờ chính sách hỗ trợ mức đóng tùy nhóm đối tượng tham gia.

Gia đình ông bà Nguyễn Văn Thắng, ở Ba Vì (Hà Nội) thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Ông Thắng bị mắc bệnh ung thư từ năm 2021 hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông Thắng cho biết: “Tôi điều trị ung thư được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đến 95% tiền viện phí, thuốc men, số tiền quả thực rất lớn, nếu không có BHYT thì chắc gia đình tôi không dám đi viện chữa bệnh. Chính vì vậy, nay được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thêm tiền BHYT chúng tôi mừng lắm”.

bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người dân Hà Nội được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh minh hoạ

Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ của huyện Ba Vì cho biết: Việc người thuộc hộ cận nghèo phải tự lo phần kinh phí 20% mua thẻ BHYT với số tiền trên 160.000 đồng/người/năm tuy không phải là số tiền lớn nhưng trong trường hợp hộ gia đình có 4 - 5 thành viên việc mua thẻ BHYT đồng loạt cho các thành viên trong gia đình lại là khó khăn không nhỏ. Việc được hỗ trợ tiền đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo sẽ giúp họ có thêm điều kiện để được tham gia và hưởng chế độ khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thêm các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo quy định của Chính phủ, người tham gia BHXH được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Ngoài ra, nếu sinh sống, có hộ khẩu thường trú tại TP Hà Nội thì được hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, trong thời gian từ 1/8/2022 đến 31/12/2025. Cụ thể, mức hỗ trợ thêm là 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Như vậy, trong giai đoạn từ 1/8/2022 đến 31/12/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại TP Hà Nội được hỗ trợ tiền đóng BHXH tối đa là 60% nếu thuộc hộ nghèo, 50% nếu thuộc hộ cận nghèo và 20% với đối tượng khác. Dự kiến, kinh phí dành cho chính sách này là gần 182 tỷ đồng, áp dụng tới ngày 31/12/2025.

Sau khi được TP tăng thêm mức hỗ trợ đóng, từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng, thì số tiền thực đóng hằng tháng còn không đáng kể.

Cụ thể, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60% mức đóng, tương ứng với 198.000 đồng/người/tháng, nên số tiền thực đóng giảm còn 132.000 đồng/người/tháng. Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng, tương ứng với 165.000 đồng/người/tháng, nên số tiền thực đóng giảm còn 165.000 đồng/người/tháng. Các trường hợp khác được giảm 20% mức đóng, nên số tiền thực đóng giảm còn 264.000 đồng/người/tháng.

Chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng đối với các nhóm người chưa tham gia BHXH, nhằm quyết tâm hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân, để mọi người dân đều được chăm lo an sinh xã hội, có cơ hội được hưởng lương hưu - nguồn thu nhập ổn định khi về già, có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe.

Lãnh đạo TP cho rằng việc hỗ trợ người dân là cần thiết bởi từ đầu năm 2022, mức chuẩn nghèo nông thôn tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất cũng tăng từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng mỗi tháng (gấp 2,14 lần). Lao động eo hẹp về tài chính dẫn tới việc vận động tham gia BHXH tự nguyện khó khăn.

Giai đoạn 2018-2021, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho gần 170.000 lao động trên địa bàn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí 60 tỷ đồng. Số người đóng tăng dần qua các năm, đạt hơn 63.300 vào năm 2021 (tăng 199% so với năm 2017). Hà Nội hiện trích ngân sách khoảng 565 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ gần 93.000 người già từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng, mức 440.000 đồng mỗi người; mua thẻ BHYT mức 67.050 đồng mỗi tháng.