Ngân hàng có thể lãi cao trở lại năm nay

Từ mức nền thấp năm 2023, giới phân tích dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng có thể tăng 10-14% năm nay, trong đó nhiều nhà băng có thể tăng gấp 3-4 lần trung bình.

"Giới buôn tiền" vừa trải qua một năm biến động. Khả năng hấp thụ vốn yếu, nợ xấu tăng cao bào mòn lợi nhuận, ngắt chuỗi tăng nhiều năm của không ít ngân hàng - nhà băng. Tuy nhiên, từ mức nền thấp của năm 2023, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng có thể trở lại ngưỡng hai con số.

"Kết quả kém khả quan trong năm 2023 tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng 2024. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì", báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán MBS viết.

Theo nhóm phân tích, lợi nhuận nhóm ngân hàng có thể tăng trưởng khả quan năm nay, dù áp lực trích lập dự phòng vẫn còn lớn.

Danh mục theo dõi của MBS gồm 12 ngân hàng, với dự báo lợi nhuận năm nay tăng trưởng 12,6-73,4%, trên mức dự kiến 13-14% của toàn ngành.

Thận trọng hơn, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận các nhà băng tiếp tục phân hóa mạnh trong 2024, với mức tăng trưởng trung bình ngành khoảng 10%. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

10% cũng là dự báo trong báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán KB. "Trong kịch bản cơ sở tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 đạt 13-14%, chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát, nhưng áp lực chi phí tín dụng cao sẽ chi phối lợi nhuận", nhóm phân tích KB nhận xét.

Ngân hàng

Theo MBS, những rủi ro từ thị trường cùng nhu cầu vốn thấp khiến tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản suy giảm. "Điều này như một phép thử 'liều mạnh' cho toàn ngành và các ngân hàng vẫn đang thể hiện sức chịu đựng tốt trong bối cảnh vĩ mô biến động", báo cáo viết.

Dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực, áp lực trích dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể. Nguyên nhân là khi lợi nhuận cả năm 2023 dự báo kém khả quan, đồng nghĩa các ngân hàng không còn nhiều dư địa để trích lập.

Tuy nhiên, MBS cho rằng áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. "Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp có thể có nhiều dư địa để xử lý và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận", nhóm phân tích cho biết.

Trong khi đó, VCBS cho rằng, trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (loại trừ SCB và các ngân hàng 0 đồng) tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả. Tỷ lệ nợ tái cơ cấu dự báo giảm từ quý II, tuy nhiên có sự phân hóa.

Điểm tích cực, theo các công ty chứng khoán, là biên lãi ròng (NIM), thước đo mức độ tạo lợi nhuận dựa trên phần trăm doanh thu, đang có xu hướng cải thiện.

"Trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì trong ít nhất 6-9 tháng tới", nhóm phân tích cho biết và nói thêm, đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng NIM.

Hiện tại, lãi suất huy động toàn ngành cũng thấp hơn mức đáy trong giai đoạn dịch Covid-19, mặc dù lãi suất điều hành vẫn cao hơn 50 điểm cơ bản. Lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng hiện đang ở mức 4,9% và 5,1%, thấp hơn mức lãi suất huy động thấp nhất cùng kỳ hạn trong giai đoạn Covid-19 lần lượt là 5,5% và 5,6%.

Theo VnExpress