Hôm nay, hãy cùng tham khảo bí quyết tiết kiệm của Akari - Một cô vợ U40 người Nhật Bản. Akari hiện đang là mẹ của 2 đứa trẻ, cả hai đều đang tuổi ăn, tuổi học nhưng mỗi năm, cô vẫn tiết kiệm được 2 triệu Yên (khoảng 326 triệu đồng) dù chỉ ở nhà lo việc nội trợ.
Để làm được điều này, Akari đã luôn áp dụng và tuân thủ 4 "mẹo nhỏ" dưới đây.
1 - Tìm ra những lỗ hổng tài chính khiến việc tiết kiệm chưa tối ưu
Để tiết kiệm tối ưu, Akari nhận ra điều quan trọng nhất là tìm ra những lỗ hổng trong những khoản chi tưởng chừng là cố định và cần thiết, không thể cắt giảm.
Cô đã mất 2-3 tháng để nhìn lại toàn bộ các khoản chi trong gia đình và cô nhận ra, mình chưa thể tối ưu việc tiết kiệm vì những gạch đầu dòng dưới đây.
- Phí thẻ tín dụng cao.
- Chi phí thực phẩm cao.
- Chi phí liên lạc qua điện thoại di động cao.
- Chi phí cố định của nước, điện và gas cao.
- Đặt hàng mang đi và ăn ở ngoài rất nhiều.
- Bật điều hòa 24/24 vào mùa hè.
- Tiền nước quá cao.
Sau khi tìm ra những lỗ hổng tài chính này, Akari cảm thấy lạc quan hơn khi nghĩ về mục tiêu tối ưu tiết kiệm. Cô cho biết phải tìm được nguyên nhân khiến mình tốn tiền dù đã cắt giảm chi tiêu tối đa, bạn mới có thể tiết kiệm nhiều hơn nữa.
2 - Mở nhiều tài khoản ngân hàng cho từng mục đích cụ thể
Sau khi tìm ra những lỗ hổng, Akari quyết định mở thêm 2 tài khoản ngân hàng. Vậy là giờ đây, cô có 3 tài khoản ngân hàng, từng tài khoản phục vụ cho 1 mục đích cụ thể: Chi phí sinh hoạt, chi phí y tế, quỹ giáo dục con cái.
Vào ngày nhận được tiền lương của chồng, bà nội trợ Akari sẽ chia số tiền đó vào các tài khoản tương ứng với từng mục địch. Việc này đảm bảo cô sẽ để khoản tiền này "lẹm" vào khoản tiền kia và không lẹm vào tiền tiết kiệm.
Riêng với tiền sinh hoạt phí, Akari sẽ chỉ để tiền điện, nước trong tài khoản; còn tiền mua thực phẩm cho gia đình sẽ được Akari rút khỏi thẻ ngân hàng, chia vào các túi zip. Mỗi túi là ngân sách đi chợ của 1 tuần. Akari làm như vậy để đảm bảo việc mua thực phẩm không bị "quá tay".
3 - Kiểm soát chi phí thực phẩm chính xác, tránh lãng phí
Akari tin rằng chi phí ăn uống là khoản dễ kiểm soát nhất trong chi tiêu gia đình, chỉ cần bạn lập ngân sách, bạn có thể tính toán được mình sẽ cần chi bao nhiêu tiền cho 3 bữa ăn trong ngày.
Để tránh bội chi, Akari khuyên bạn nên ưu tiên lập ngân sách đi chợ/siêu thị theo ngày là tốt nhất, còn nếu không, lập ngân sách theo tuần cũng được.
Akari thích đi chợ hai lần/tuần hơn là một lần/tuần. Đối với cô, việc mua thực phẩm cho 21 bữa ăn trong 7 ngày vừa khiến thực phẩm không còn tươi, vừa dễ gây bội chi vì khó ước tính được chính xác lượng thực phẩm ở mức vừa đủ, không thừa.
4 - Tiết kiệm điện, nước
Để tiết kiệm được nhiều tiền hơn, Akari quyết định sẽ chịu nóng một chút vào mùa hè chứ không còn bật điều hòa 24/24 như trước nữa, vì dù sao ban ngày, cũng chỉ có một mình cô ở nhà.
Tiếp đến là tiền nước, Akari nhận ra tất cả những vòi nước ở nhà đều có áp lực rất lớn, khiến nước chảy ra rất mạnh, khiến cả gia đình phải đóng nhiều tiền nước một cách không cần thiết. Để khắc phục tình trạng này, Akari đã nhờ chồng thay tất cả vòi nước trong nhà sang loại vòi có thể điều chỉnh tốc độ nước tùy theo nhu cầu.
Nhờ áp dụng 4 "mẹo nhỏ" này, trong năm 2023 vừa qua, Akari đã tiết kiệm được 2 triệu Yên (hơn 300 triệu đồng) - một con số hoàn toàn không nhỏ với gia đình 4 người mà chỉ có 1 nguồn thu nhập duy nhất. Chính chồng của Akari cũng không thể tin được vợ mình đã tiết kiệm được chừng đó tiền. Anh cũng không hiểu bằng cách nào mà cô có thể làm được điều đó.
Tuy nhiên, Akari lại luôn tin rằng cô vẫn có thể tiết kiệm được nhiều hơn nữa mà vẫn đảm bảo cả gia đình được ăn ngon và có cuộc sống không quá khắc khổ. Hiện tại, Akari vẫn đang tiếp tục soi xét lại các khoản chi, để xem có còn lỗ hổng nào mà cô đã vô tình bỏ qua hay không.