Không có chuyện “giải cứu” vải thiều Lục Ngạn

Toàn huyện Lục Ngạn hiện có 96 điểm cân, thu mua vải thiều. Lũy kế sản lượng tiêu thụ vải chín sớm 3.938 tấn với giá bán dao động 18.000 - 35.000 đồng/kg.

Thời gian gần đây có một số thông tin cho rằng, do Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero Covid” nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ quả vải thiều của Lục Ngạn, khiến đặc sản này khó tiêu thụ. Tuy nhiên, theo UBND huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 96 điểm cân, thu mua vải; lũy kế sản lượng tiêu thụ vải chín sớm 3.938 tấn; giá bán sản phẩm đang dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg.

Không có chuyện “giải cứu” vải thiều Lục Ngạn
Vải thiều Lục Ngạn được đánh giá cao bởi giá trị dinh dưỡng và độ thơm, ngon

Ghi nhận của phóng viên tại huyện Lục Ngạn, việc tiêu thụ sản phẩm đến nay cơ bản thuận lợi, người dân rất phấn khởi vì vải thiều được mùa, được giá.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết, xác định việc tiêu thụ vải thiều sang Trung Quốc năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên ngay từ sớm, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã xây dựng nhiều phương án tiêu thụ, đa dạng các thị trường để hạn chế rủi ro.

Huyện đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm sản phẩm chất lượng cung ứng đến nông dân, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh sản phẩm kém chất lượng.

Hiện, sản phẩm vải chín sớm của Lục Ngạn được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa khoảng 2.067 tấn (các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc); xuất khẩu khoảng 1.795 tấn (chủ yếu sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn). Có 2 lò sấy vải (công nghệ sấy điện) đã hoạt động, sản lượng sấy đạt 9,5 tấn vải khô thành phẩm.

Về vấn đề xuất khẩu, toàn huyện có 35 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 11.423 ha và 237 cơ sở đóng gói; 30 mã vùng được Nhật Bản chấp nhận cấp mã số vùng trồng với diện tích 224,5 ha và 1 cơ sở đóng gói (trong đó, đối với sản phẩm vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trên bao bì nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc ghi rõ tên hoa quả, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn hoặc mã số đăng ký đã được Trung Quốc cấp theo quy định...).

Hiện nay, huyện vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm vải thiều trước khi bán (xử lý sạch lá, cắt cuống, loại bỏ quả không đạt chất lượng, bó túm đúng trọng lượng…).

Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ du lịch, lựa chọn một số nhà vườn, điểm du lịch tại địa bàn huyện để xây dựng, cung cấp các sản phẩm du lịch trải nghiệm mùa vải chín Lục Ngạn năm 2022. Lựa chọn những vườn quả đẹp để đón đoàn khách đến làm việc, tham quan tại địa bàn huyện.

Đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân thu hoạch, chế biến sản phẩm; tiếp tục dự phòng phương án hỗ trợ nhân dân tăng sản lượng, công suất sấy vải thiều; rà soát, bố trí điểm tập kết, trung chuyển, thu mua vải thiều ngay tại vườn và khu vực thôn, xã để giảm tài giao thông cho các tuyến đường chính.

Về biện pháp đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho hoạt động tiêu thụ, chế biến, huyện đã tổ chức rà soát tình hình sản xuất, dự trữ, đánh giá cung - cầu đối với các mặt hàng phụ trợ như thùng xốp, thùng nhựa, nước đá công nghiệp… để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Không có chuyện “giải cứu” vải thiều Lục Ngạn
Việc tiêu thụ sản phẩm đến nay cơ bản thuận lợi

Đến nay, cơ sở sản xuất thùng xốp đã sản xuất được trên 5 triệu thùng xốp các loại; giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/thùng loại to; từ 26.000-28.000 đồng/thùng loại nhỏ; dự kiến công suất đến hết vụ của các cơ sở trên 6 triệu thùng; có 36/42 cơ sở sản xuất đá cây đã đóng điện chuẩn bị các điều kiện để sản xuất; giá bán đá cây tại xưởng sản xuất từ 25.000-30.000 đồng/cây.

Để đảm bảo công tác tiêu thụ thuận lợi, an toàn, Lục Ngạn cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gom hàng, tăng giá đối với các mặt hàng, dịch vụ phụ trợ như thùng xốp, đá cây, vận tải...; có phương án điều tiết nguồn cung ứng các mặt hàng, dịch vụ phụ trợ (thùng xốp, nước đá công nghiệp, dịch vụ vận tải…) từ ngoài địa bàn huyện để bổ sung kịp thời cho thị trường tiêu thụ tại huyện (nếu xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, tăng giá quá mức…).

Phía ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, kho bạc Nhà nước đảm bảo cung ứng thuận lợi nhất dịch vụ tài chính cho các tổ chức, cá nhân trong vụ thu hoạch, giao dịch tiêu thụ vải thiều.

Điện lực Lục Ngạn, các đơn vị viễn thông, nước sạch, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải chủ động phương án sản xuất, phương tiện, cung ứng đảm bảo cao nhất nhu cầu về điện, nước sạch, thông tin liên lạc, vận chuyển hàng hóa cho vụ thu hoạch, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu vải thiều, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, ách tắc, gián đoạn chuỗi cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các tổ liên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá công nghiệp thực hiện đúng việc niêm yết giá, đăng ký giá bán, chấp hành các quy định về thuế…

Năm nay, toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 16.000 ha vải thiều, trong đó hơn 12.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo: congthuong.vn