Khó “săn” vé máy bay giá rẻ dịp cao điểm

Giá vé máy bay tăng theo giờ khiến cơ hội “săn” vé máy bay giá rẻ của nhiều hành khách đang ngày càng trở nên khó khăn.

Phân khúc vé máy bay giá rẻ đã mang tới cơ hội “bay lên bầu trời” của nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, với cơn bão giá xăng dầu trong thời gian qua, giá vé máy bay buộc phải tăng theo, cơ hội “săn” vé máy bay giá rẻ đang ngày càng trở nên khó khăn.

Giá vé máy bay “nhảy múa”

Thực tế giá vé máy bay liên tục phá kỷ lục trong thời gian qua do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, dù “treo” giá vé rất cao nhưng các hãng hàng không vẫn đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Vào các ngày cuối tuần, chuyến du lịch của nhiều hành khách khởi đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài trở thành chuyến đi "hành xác" bởi hãng hàng không liên tục hoãn, hủy chuyến. Đáng nói, trải nghiệm thất vọng này diễn ra trong tình trạng giá vé ngất ngưởng. Chị Nguyễn Minh Lệ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chi gần 4 triệu đồng cho chiếc vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội.

Chị Lệ cho biết buộc phải chọn khung giờ di chuyển vào lúc nửa đêm bởi nếu chọn khung giờ thuận tiện, chi phí có thể tăng gấp 1,5 lần. "Lúc đầu, tôi thấy giá vé quá cao nên ngần ngại chưa đặt. Chỉ khoảng vài tiếng sau kiểm tra lại, giá đã tăng thêm khoảng 500.000 đồng. Tôi đã đặt ngay vì sợ số tiền tiếp tục tăng lên" - chị Lệ cho biết thêm, khoảng đầu năm 2022, giá vé chặng này chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng.

Lượng hành khách tăng cao dịp cao điểm
Lượng hành khách tăng cao dịp cao điểm

Không chỉ sốc với giá vé, chị Lệ cùng gia đình còn bất ngờ trước cảnh đông đúc tại sân bay dù đã đêm muộn. Khu vực ga quốc nội chật kín người chờ đợi vì nhận thông báo delay hoặc phải thay đổi cửa khởi hành.

Bước vào cao điểm hè 2022, giá vé máy bay nội địa ghi nhận biến động từng ngày. Khảo sát trên kênh bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không thấy được, phần lớn giá vé máy bay đều đang được giao bán ở mức cao ngất ngưởng. Các chặng bay nội địa thời gian từ tháng 7 đến cuối tháng 8/2022 đều tăng giá. Điển hình, chặng bay Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, trên website của các hãng bay nội địa, hiện giá vé trong tháng 7/2022 đều đã tăng từ 20 - 30% so với tháng trước.

Giá vé máy bay của Vietnam Airlines chặng bay thẳng từ Hà Nội - Phú Quốc trên 2,5 triệu đồng/vé vào khung giờ ban đêm. Vietjet mở bán chặng TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc giá 1,7 - 2,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways bán giá từ 2 - 3 triệu đồng/vé. Đây là mức giá cho hành trình một chiều, nếu bay khứ hồi, giá vé chặng TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc ít nhất trên 3 triệu đồng/người.

Còn với chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines mở bán hạng vé rẻ nhất là 1,5 triệu đồng/vé vào khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu chọn mua vé khứ hồi, hành khách phải chi ít nhất 3 - 5 triệu đồng. Giá vé của các hãng bay khác như Vietjet Air, Bamboo Airways... cũng rao bán ở mức rất cao, dao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/vé/chiều. Chặng TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc, Vietjet Air mở bán giá 1,7 - 2,3 triệu đồng/vé/chiều, Bamboo Airways 2 - 3 triệu đồng/vé/chiều. Thậm chí, chặng trọng điểm du lịch hút khách Hà Nội - Côn Đảo có giá vé chạm mốc 10 triệu đồng/vé khứ hồi.

Anh Nguyễn Văn Chiến, nhân viên đại lý đặt vé máy bay Vietjet Air cho hay, thời gian gần đây nhiều hành khách phản ánh giá vé máy bay lên quá cao. Một phần đang trong thời điểm mùa hè, nên nhiều khách hàng cũng hiểu và ít than phiền hơn. Những hành khách có nhu cầu về quê, thăm nom người thân, đi công tác, không phải đi du lịch đều bất ngờ vì giá vé tăng cao và đều phải cân nhắc tạm hoãn.

"Ngoài nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng nhanh trong dịp cao điểm hè, giá xăng dầu tăng phi mã cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các hãng hàng không. Vì vậy, các hãng hàng không đã phải tăng giá vé máy bay để cân đối chi phí vận chuyển" - anh Nguyễn Văn Chiến lí giải.

Điều chỉnh giá trần vé máy bay

Việc giá vé máy bay cao ngất ngưởng trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục phá kỷ lục trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là điều tất yếu. Hiện nay, nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác của các hãng bay. Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD/thùng thì chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, có thời điểm giá xăng Jet-A1 tăng trên 160 USD/thùng khiến chi phí hoạt động của hãng tăng cao. Do đó, dù giá vé máy bay có tăng thêm nhưng vẫn khó cho doanh nghiệp hàng không trước cơn bão giá.

Các chuyên gia nhận định, giá vé máy bay chịu tác động bởi 2 yếu tố: Giá nhiên liệu và chi phí cho lao động. Với đà tăng của giá nhiên liệu như hiện nay, các hãng bay đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao dù đang trải qua cao điểm hè vô cùng sôi động.

Khó “săn” vé máy bay giá rẻ dịp cao điểm

Về lý thuyết, khi càng bay nhiều, các hãng hàng không sẽ càng tăng được doanh thu. Nhưng trên thực tế, dù đang “mở hết tốc lực” để hoạt động trong cao điểm hè 2022 song điều này chưa thể đảm bảo việc các hãng bay sẽ có lãi. Bởi dù đã tăng giá vé nhưng mức tăng này chưa thể đuổi kịp mức tăng phi mã của giá xăng, dầu trong thời gian qua.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, đội máy bay của các hãng vẫn chưa được khai thác hết do thị trường quốc tế mới chỉ khai thác trở lại ở mức 10 - 20% so với trước dịch Covid-19. Mặt khác, các hãng bay vẫn phải duy trì nhiều khoản chi phí cố định liên quan đến thuê máy bay, bảo dưỡng, khấu hao tài sản... Điều này khiến cho chi phí cố định trung bình/giờ bay tăng vọt so với trước dịch, nhất là những hãng có đội máy bay lớn, mạng bay quốc tế trước dịch rộng khắp.

Trước nhu cầu đi lại ngày càng tăng, Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải tối ưu phục vụ hành khách đi lại dịp cao điểm hè 2022, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Với giá nhiên liệu bay tăng cao như hiện nay, chắc chắn các hãng bay đều lỗ do số chuyến bay và hành khách quốc tế chưa đáng kể. Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, mới chỉ có 2,4 triệu du khách quốc tế tới Việt Nam, con số này quá khiêm tốn so với trung bình 1,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam mỗi tháng trước khi có dịch Covid-19. Thêm vào đó, do tần suất khai thác và lượng khách quốc tế rất thấp, 1/3 đội bay của các hãng hàng không Việt Nam vẫn nằm đất, đương nhiên các hãng hàng không sẽ bị lỗ.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ kiến nghị của các hãng hàng không trong bối cảnh giá nhiên liệu bay tăng, cơ quan này đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa mức bằng thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.

Theo congthuong.vn