Khô miệng là tình trạng tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để giữ ẩm cho miệng và thường bị nhiều người bỏ qua. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bất ổn và thậm chí còn có thể là “báo động đỏ” cho một số căn bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Azad Eyrumlu thuộc Banning Dental Group – một công ty nha khoa tư nhân hàng đầu Vương Quốc Anh cho biết, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe ngay lập tức nếu nhận thấy tình trạng khô miệng mà mình đang gặp phải kéo dài dai dẳng.
Theo ông Eyrumlu, khô miệng có thường đi kèm triệu chứng khác như cảm giác dính trong miệng, khô hoặc đau họng, khó nhai hoặc nuốt thức ăn và thậm chí là hôi miệng. Một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm nhất định như đột quỵ, tiểu đường hoặc bệnh Alzheimer có thể được cơ thể biểu hiện theo cách này.
Ngoài ra, đôi khi những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn tự miễn dịch như hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) hoặc hội chứng Sjogren (một bệnh viêm tự miễn hệ thống mạn tính và không rõ nguyên nhân).
“Khi bạn đến gặp nha sĩ, chúng tôi không chỉ quan tâm đến sức khỏe răng miệng của bạn. Chúng tôi cũng được đào tạo về cách phát hiện một số vấn đề rộng hơn đối với sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của chính mình và nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khô miệng dai dẳng thì bạn phải nêu rõ điều này với bác sĩ”, ông nói thêm.
Bác sĩ Azad Eyrumlu giải thích thêm rằng, nhiều người có thể chưa bao giờ chú ý đến tầm quan trọng của nước bọt nhưng thực tế chúng đóng một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe răng miệng khi giúp trung hòa axit do vi khuẩn tạo ra và rửa trôi các mảnh vụn thức ăn. Nước bọt cũng rất cần thiết để ngăn ngừa sâu răng đồng thời chứa các enzyme quan trọng hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đảm bảo cơ thể hấp thu được những chất dinh dưỡng cần thiết.
Vì vậy, bạn nên đến gặp nha sĩ ít nhất 6 tháng một lần để đảm bảo vệ sinh răng miệng ở trạng thái tốt và theo dõi mọi vấn đề sức khỏe có thể đang phát triển trong cơ thể. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên đánh răng trong 2 phút bằng kem đánh răng có chứa fluoride 2 lần một ngày, cũng như dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng thường xuyên để bảo đảm sức khỏe răng miệng.
Trong trường hợp nhận thấy tình trạng khô miệng đi kèm với các triệu chứng khó chịu kéo dài liên lục mà không thuyên giảm, hãy tiến hành kiểm tra sức khỏe cũng như xin lời khuyên từ các bác sĩ có chuyên môn ngay khi có thể.