Vàng miếng tăng cao, USD lập đỉnh mới
Hôm 20.4, vàng miếng SJC được mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra 84 triệu đồng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố sẽ đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng SJC để tăng nguồn cung cho thị trường, giá vàng vẫn liên tục đi lên. Tổng cộng trong cả tuần qua, mỗi lượng vàng miếng tăng 1,4 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 900.000 đồng ở chiều bán ra.
Tương tự, vàng nhẫn 4 số 9 của SJC tăng từ 300.000 - 500.000 đồng, giá mua lên 74,6 triệu đồng và bán ra 76,7 triệu đồng. Không chỉ vàng, trong tuần qua giá USD cũng tăng vọt. Hiện giá USD tại các ngân hàng (NH) thương mại đã lập đỉnh lịch sử khi bán ra ở mức 25.473 đồng và cũng là mức trần theo quy định của NHNN. Chỉ riêng trong tuần qua, giá USD đã tăng từ 320 - 340 đồng.
Có thể thấy, dù thông tin về phiên đấu thầu vàng đã được công bố nhưng giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu chịu tác động. Vàng miếng SJC vẫn đang đắt hơn thế giới 10,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cao hơn 3,5 triệu đồng.
Lý giải việc giá vàng trong nước vẫn tăng cao, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng nguyên nhân là do giá vàng thế giới vẫn đang trong quán tính đi lên. Xung đột vũ trang tại Trung Đông là "cái cớ" lớn để kim loại quý duy trì ở mức cao. Còn chênh lệch giá trong nước với quốc tế vẫn duy trì ở mức lớn khi nguồn cung trên thị trường chưa có gì thay đổi. "Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường nhưng có thể mức giá trúng thầu thấp hơn giá thị trường không đáng kể. Vì vậy việc đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo", ông Hiển nói.
Riêng việc USD tăng giá là do nhu cầu trên thị trường quá cao. Từ đầu năm đến nay lãi suất (LS) tiền gửi trong NH giảm mạnh, kênh bất động sản chưa hồi phục. Đặc biệt giá vàng tăng quá cao và một số người chốt lãi có thể chuyển sang một phần tích trữ bằng USD. Chưa kể chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn quá lớn có thể làm xuất hiện tình trạng buôn lậu vàng, tăng nhu cầu về USD trên thị trường tự do. Tất cả những yếu tố đó cùng tạo nên áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động NH quý 1/2024 mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,9%. Nguyên nhân là kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Thậm chí lạm phát ở Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, khiến thị trường liên tục điều chỉnh dự báo. Việc đảo chiều kỳ vọng về Fed hạ lãi suất, gia tăng căng thẳng tại Trung Đông, cuộc xung đột Ukraine - Nga tiếp diễn khiến USD quốc tế tăng giá gần 5% chỉ trong hơn 3 tháng qua. Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh việc VND mất giá 4,9% không thể so sánh với việc USD tăng giá 5%. Bởi lẽ mức tăng của USD, ở đây là chỉ số USD-Index, là mức tăng khi so sánh với rổ các đồng ngoại tệ mạnh. Nếu so sánh với con số này thì mức mất giá 4,9% của VND là rất thấp.
Thứ hai, VN đang giảm LS trong bối cảnh cả thế giới tăng cao. Một mặt, động thái này tạo điều kiện cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế và vẫn kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, quyết định này cũng có ảnh hưởng tới LS ngoại tệ, đặc biệt trên thị trường liên NH. Hiện lãi suất VND đang âm so với USD, tạo tâm lý cho bản thân các NH thương mại và thị trường đẩy tỷ giá tăng lên. Một yếu tố khác là việc cầu ngoại tệ cao để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Doanh nghiệp để đảm bảo phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã có xu hướng tăng đột biến việc mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến nhu cầu ngoại tệ trong tương lai chuyển về hiện tại. Ba yếu tố nói trên là nguyên nhân chính, ngoài ra, còn có các yếu tố khác như tâm lý…
Thị trường chờ giá trúng thầu để điều chỉnh
Hôm nay (22.4), NHNN sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố. Tuy nhiên, NHNN cũng thông báo, trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN, cơ quan này sẽ quyết định hủy kết quả thầu.
Đây là phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được NHNN thực hiện sau 11 năm. Mức giá tính cọc mà NHNN đưa ra cuối tuần qua ở mức 81,8 triệu đồng cũng là mức giá mua vào của các đơn vị kinh doanh vàng hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhận xét khả năng giá tham chiếu trong phiên đấu thầu sẽ xoay quanh 81,8 triệu đồng/lượng. Theo kinh nghiệm những phiên đấu thầu trước đây, khi NHNN phát giá đấu thầu, các thành viên có 30 phút để điện cho các đầu mối chào giá, cũng như khối lượng mua. 70 - 80% lượng vàng sẽ được giải quyết cho nhu cầu thị trường sỉ. Thông thường, giá vàng biến động theo giờ, nên các đơn vị trúng thầu sẽ chốt giá bán ra thị trường ngay nhằm hạn chế rủi ro.
Thời điểm đó, những đơn vị tham gia trúng thầu gần như là có lãi ngay. Còn bối cảnh hiện nay khác trước đây rất nhiều. Những thành viên tham gia đấu thầu sẽ phải cân nhắc lượng cầu từ thị trường sỉ và thị trường lẻ là bao nhiêu trước khi bỏ giá. Quy mô thị trường hiện nay không lớn, các NH không có trạng thái trả nợ lượng vàng huy động từ dân, nhiều "tay chơi" đã rút khỏi thị trường vàng, hơn nữa thị trường cũng không tập trung… nên khó có thể đánh giá nhu cầu như thế nào. Trường hợp số lượng vàng do NHNN đưa ra được bán hết sẽ đáp ứng một nguồn cung lớn thì giá sẽ giảm nhưng mức độ từ từ.
Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng còn một ẩn số khó lường tác động đến giá vàng là lực bán ra từ người dân. Những ngày qua, thông tin đấu thầu vàng đưa ra nhưng nhiều người vẫn chờ đợi diễn biến mới. Trong trường hợp đầu tuần này xuất hiện lực bán vàng từ người dân trước khi lượng vàng đấu thầu ra thị trường, các đơn vị kinh doanh vàng sẽ nhanh chóng giảm giá. Trên thị trường sỉ, các đơn vị kinh doanh chào giá cuối tuần qua ở mức 82,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá nhận đặt cọc 500.000 đồng/lượng. "Trường hợp khối lượng đấu thầu trúng từ 7.000 - 8.000 lượng, giá vàng SJC sẽ giảm nhưng quanh mức giá trúng thầu. Giá thầu đưa ra cao thì cũng không thể kéo giá thị trường xuống nhanh được", ông Nguyễn Ngọc Trọng phân tích.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhận xét: Khối lượng đấu thầu 16.800 lượng, tương ứng 630 kg vàng, là không ít. Vì thế, giá vàng trên thị trường sẽ phụ thuộc vào mức giá tham chiếu mà NHNN công bố đấu thầu. Mấy hôm nay, giá vàng trên thị trường bất động cũng là chờ mức giá tham chiếu trong phiên đấu thầu. Sau khi kết thúc đấu thầu, thị trường sẽ phản ứng thực hiện bán vàng ra hay không. Những người có vàng quyết định bán ra nhiều hay ít sẽ quyết định giá điều chỉnh giảm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Lực bán mà mạnh thì mức giảm sẽ nhanh.
"Phiên đấu thầu đầu tiên có thể là phiên thăm dò thị trường nên giá sẽ không xuống quá nhanh. Nếu xuống nhanh thì những đơn vị trúng thầu giá cao sẽ lỗ. Trường hợp giá vàng thế giới không thay đổi so với hiện nay thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm về 78 triệu đồng/lượng, chỉ còn cao hơn thế giới từ 4 - 5 triệu đồng/lượng. Lúc này vàng nhẫn cao hơn giá thế giới khoảng 1 - 2 triệu đồng/lượng", ông Huỳnh Trung Khánh dự báo.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cho rằng: Với khối lượng đưa ra đấu thầu đợt này thị trường sẽ có hiện tượng dư bán. Mức chênh lệch giá trong nước với thế giới có thể sẽ rút ngắn lại 5 - 6 triệu đồng/lượng thay vì 10 triệu đồng/lượng như hiện nay. Tuy nhiên, giá vàng trong nước cũng còn chịu ảnh hưởng từ giá trên thị trường thế giới. Giá vàng thế giới cuối tuần qua ở mức 2.392 USD/ounce, có khả năng điều chỉnh giảm về 2.370 USD và sau đó tăng lên 2.468 USD/ounce. Đó là về kỹ thuật, còn phân tích những yếu tố cơ bản gần đây thì LS USD tại Mỹ không thể giảm theo kế hoạch. Theo lý thuyết, LS USD giữ nguyên thì thị trường vàng sẽ lặng sóng. Nhưng thực tế vàng đang bị tác động bởi biến động địa chính trị từ Ukraine đến Trung Đông. Nếu xung đột tại khu vực Trung Đông và Đông Âu cùng lúc leo thang thì giá vàng càng có động lực vượt mức 2.450 USD/ounce. Khi đó giá vàng trong nước vẫn sẽ ở mức cao.
Cần cho phép nhập khẩu vàng
Theo NHNN, từ tháng 3 đến nay đã liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền đồng dư thừa, giảm bớt áp lực lên tỷ giá, làm cho tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép. Đặc biệt, kể từ ngày 19.4, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Đây được xem là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt.
TS Đinh Thế Hiển nhận định việc tăng giá đồng USD ở mức hiện tại cũng chưa phải quá lo ngại. Thậm chí để tỷ giá có thể lên mức 25.500 đồng/USD, tương đương mức tăng giá USD từ 5 - 6% trong năm nay cũng không vấn đề gì bởi mức tăng này không phải vì VND bị mất giá do nội tại của nền kinh tế VN hay do Chính phủ tung tiền mặt ra thị trường mà chủ yếu là do tác động từ bên ngoài. Trong nhiều năm qua, tỷ giá hối đoái USD/VND đã bị neo khá chặt, thấp hơn nhiều mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và LS tiền gửi trong NH nên nay đi lên là bình thường.
Thậm chí có thể xem đây là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. Riêng đối với việc kéo giảm chênh lệch giá vàng miếng trong nước với thế giới, ông Hiển đề xuất nên cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung. Để có cơ sở tính ra được số lượng vàng nhập khẩu hợp lý mỗi năm thì cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân; cộng thêm giá trị gia tăng của VN mỗi năm là bao nhiêu và trong đó mức tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng là bao nhiêu. Khi bổ sung nguồn cung đều đặn thì chênh lệch cung cầu và chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần.
"Việc đấu thầu vàng của NHNN là thụ động. Nếu như chủ động hơn thì NHNN sẽ công bố trong năm nay cung ứng ra thị trường bao nhiêu lượng vàng? Mỗi đợt khoảng bao nhiêu? Điều này sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư không còn quá kỳ vọng vào giá vàng trong nước khi chênh lệch được kéo xuống gần sát với thế giới. Hiện chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế vẫn hơn 400 USD/lượng. Các kênh đầu tư đang giảm, nhất là bất động sản nên một bộ phận người dân chuyển sang tích lũy vàng. Cầu tăng nhưng cung không tăng thì dẫn tới chênh lệch giá cao. Nếu thị trường vàng không được liên thông có kiểm soát với thế giới thì trở thành méo mó, duy ý chí. Hơn nữa, với chênh lệch giá vàng hiện nay thì có ai dám khẳng định không có nhập lậu? Chênh lệch càng cao thì nhập lậu càng mạnh, USD lại tiếp tục chảy ra thị trường tự do. Nếu không đưa chênh lệch giá vàng về mức hợp lý thì không chỉ thị trường vàng rối loạn và vẫn "chảy máu" ngoại tệ", TS Đinh Thế Hiển phân tích.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng việc NHNN đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn, có tác dụng về tâm lý là chính. Không thể dự báo được tác động của phiên đấu thầu ngày 22.4 để rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới như thế nào.
"Đấu thầu vàng không phải là biện pháp căn bản để xử lý chênh lệch giá vàng giữa SJC và thế giới. Biện pháp căn cơ nhất là phải cho phép một số doanh nghiệp được xuất nhập khẩu bình thường và Chính phủ có thể dùng công cụ thuế, hải quan điện tử để kiểm soát và quản lý thị trường vàng. Việc nhập khẩu vàng không nhiều so với các loại hàng hóa khác nên không cần quá lo ngại về việc cho phép nhập vàng sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái. Thậm chí, nếu không cho nhập vàng thì tình trạng buôn lậu diễn ra càng gia tăng khi chênh lệch giá trong và ngoài nước quá lớn. Khi đó, cá nhân càng gom USD để mua lậu vàng càng tác động đến tỷ giá hối đoái", ông Nghĩa nhấn mạnh.
TP.HCM tạm giữ lượng lớn kim loại vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngay khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã đồng loạt kiểm tra và tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại nhiều điểm kinh doanh vàng. Tổng cộng tính tới thời điểm hiện tại, các đội Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra và tạm giữ số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá lên gần 500 triệu đồng do không có nguồn gốc, hóa đơn...
Xóa bỏ độc quyền vàng miếng
Đấu thầu vàng miếng chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ có thể tổ chức tối đa khoảng 10 phiên. Thêm vào đó, để giải quyết tình trạng "cháy hàng" vàng nhẫn khi nhu cầu người dân mua mặt hàng này tăng lên, Hiệp hội Vàng VN kiến nghị cho phép các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, trong đó có vàng nhẫn. Giải pháp này có thể làm nhanh được nhằm tạo nguồn cung cho thị trường vàng trang sức mỹ nghệ. Trước đây thị trường này cần khoảng 20 tấn nguyên liệu nên nếu được, có thể cho phép nhập về 10 tấn để giải quyết. Sự kết hợp giữa đấu thầu và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ giúp mức giá vàng trong nước rút ngắn khoảng cách chênh lệch. Về dài hạn, cần thay thế Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng, trong đó xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức mỹ nghệ. Ngoài ra, tiến tới tạo lập sàn giao dịch vàng, cho phép giao dịch chứng chỉ vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN