Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam kể về cuộc hành trình của bé An (do Hạo Khang thủ vai) trong việc tìm cha mình. Trên hành trình này, An đã gặp gỡ rất nhiều người tốt giúp đỡ như ông Út Lục Lâm, ông Tiều, thằng Cò, nhỏ Xinh, thầy Bảy, và nhiều nhân vật khác, tạo nên một câu chuyện đậm đà tình thân và lòng đoàn kết.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ Đất rừng phương Nam là một dự án mang đậm màu cờ sắc áo và phim đã mất 5 năm để phát triển kịch bản. Không chỉ thế, nhà sản xuất đã phải mua bản quyền phim tới 2 lần mới có thể bắt đầu thực hiện, với mỗi lần chỉ được mua trong 5 năm.
Bên cạnh đó, biên kịch Trần Khánh Hoàng tiết lộ rằng dù kịch bản đã được hoàn thiện những trong suốt quá trình thực hiện vẫn phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần. Thậm chí đang quay vẫn có chỉnh sửa lại để phù hợp với bối cảnh quay, nhằm mang tới câu chuyện phù hợp, chân thật nhất tới với khán giả.
Bối cảnh được đầu tư kĩ lưỡng của bộ phim đã được nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn “flex” nhẹ khiến bất kì ai nghe thấy xong cũng “toát mồ hôi hột” vì độ “chịu chơi” của nhà sản xuất.
Trước khi khởi quay, Đất rừng phương Nam đã có 11 tháng casting với hơn 1.000 hồ sơ đăng kí.
Phim trải qua hơn 48 ngày quay chính thức tại 45 bối cảnh trải dài khắp 6 tỉnh miền Tây, bao gồm: Trà Sư - An Giang, Gáo Giồng - Đồng Tháp, Trần Đề - Sóc Trăng, Châu Đốc, Tân Châu - An Giang, Bình Thủy - Long Xuyên, Cầu Đất - An Giang, Suối Tre - Đồng Nai.
Bên cạnh đó, số lượng diễn viên khổng lồ của phim cũng làm ekip “mệt nghỉ” khi phải điều phối và quản lý gần 4.000 con người bao gồm 41 diễn viên chính, phụ và 3.672 diễn viên quần chúng.
Cùng với đó là 800 bộ trang phục được may mới hoàn toàn, đi kèm với 6.000 đạo cụ dành riêng cho phim, và 110 xe cộ, ghe xuồng được thiết kế, sửa chữa cũng như làm mới để tạo nên bối cảnh chân thực, hoàn chỉnh nhất cho Đất rừng phương Nam.
Chính vì số lượng nhân sự quá đông cũng như việc sắp đặt bối cảnh cần nhiều công sức, thời gian và cả tiền của nên đoàn phim Đất rừng phương Nam đã có một chiến thuật quay vô cùng đặc biệt mang tên: “Qua sông đốt thuyền” - có nghĩa với mỗi bối cảnh, ekip sẽ hoàn thành toàn bộ cảnh quay rồi mới di chuyển và sẽ không quay trở lại, bởi việc xáo trộn một bối cảnh đã quay xong sẽ khiến tất các bối cảnh khác cũng thay đổi theo. Dẫn tới việc phim dễ có nhiều sạn.
Cùng với sự nỗ lực của ekip làm phim, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn chia sẻ trong suốt quá trình quay ekip đã phải đối mặt với những bối cảnh khó khăn và đáng nhớ bãi trượt mong ở Trần Đề hay phải khóa hai đầu cầu Bình Thủy - mối nối lưu thông của đường Quốc lộ và cù lao Bình Thủy.
Đặc biệt, cảnh quay được lấy bối cảnh tại khu chợ đòi hỏi hơn 40 người chuẩn bị tiền kì hơn 1 tháng, và chỉ có thể quay tại phim trường trong 4-5 ngày ít ỏi khiến việc chạy đua với thời gian trở nên áp lực hơn rất nhiều lần. Tuy thế, tất cả những nỗ lực này đã tạo ra một tác phẩm điện ảnh đáng xem và ấn tượng mà khán giả sẽ sớm được thưởng thức.
Đất rừng phương Nam không chỉ là một bộ phim với những con số ấn tượng mà còn đại diện cho lòng đoàn kết và tinh thần không ngừng cố gắng của đoàn phim - nơi mọi người đã đồng lòng để tạo nên một trải nghiệm điện ảnh đáng giá cho khán giả và đặc biệt là sự ủng hộ của những người dân, chính quyền của các địa phương mà đoàn phim đã đi qua.
Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đã được cấp phép ở mức phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Bé An đã sẵn sàng cùng các bạn nhỏ trên toàn quốc bước vào một hành trình trưởng thành đầy ý nghĩa, bắt đầu từ suất chiếu sớm (sneak show) từ 19h thứ Sáu (13/10) và cả ngày thứ Bảy (14/10) và Chủ nhật (15/10) với suất chiếu không giới hạn.