Tọa đàm “Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số” diễn ra ngày 4/11 tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt - làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Đây cũng là sự kiện cuối cùng nằm trong khuôn khổ Chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức.
Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số. (Ảnh minh họa)
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có tới 308 làng nghề truyền thống, đó chính là cái nôi có số lượng làng nghề và nghệ nhân đông nhất của cả nước. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử. Tọa đàm “Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số” đem đến cơ hội dành cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ có sản phẩm chất lượng và biết vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh của mình.
Thông qua tọa đàm các doanh nghiệp có thể trao đổi, thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, qua đó giúp doanh nghiệp nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển kênh thương mại điện tử một cách hiệu quả.
Các diễn giả đã tập trung cung cấp cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực thiết kế sáng tạo, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường, kết nối thương mại thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh... bao gồm: Tư vấn thiết kế, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của thị trường; tư vấn các giải pháp chiến lược về sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử trong nước; chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm trong thời kỳ chuyển đổi số đối với ngành thủ công mỹ nghệ.
Nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ được trang bị kiến thức chuyên sâu về phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối hiện đại, kỹ năng triển khai thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp xây dựng chiến lược bán hàng mới.
Hiện dư địa xuất khẩu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn. Do đó, để nắm bắt cơ hội thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định: Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm, nhất là những cơ hội lớn đang được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA đối với ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay.
Bộ Công Thương cho biết, tới đây Bộ cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ gắn với xúc tiến thương mại, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực - phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025.