Giá vé máy bay chưa hạ nhiệt

Giá vé khứ hồi một số chặng nội địa từ nay đến cuối tháng 7 như Hà Nội – TP HCM còn cao hơn cả dịp Tết âm lịch.

2 tuần gần đây, anh Hoàng Việt ở Hà Đông (Hà Nội) liên tục theo dõi giá vé máy bay để vào TP HCM thăm người thân. Tuy nhiên, anh chưa mua được vì giá vé vẫn cao. "Nhà tôi nếu bay luôn trong tháng 7 cũng phải mất tối thiểu 10 triệu đồng tiền vé cho 3 người", anh Việt cho hay.

Giá khứ hồi vé chặng Hà Nội – TP HCM (đã bao gồm thuế, phí) hạng phổ thông đang từ 3,4 triệu đồng đến hơn 6,2 triệu đồng. Trong đó, mức thấp nhất là của các hãng Vietjet, Pacific Airlines, Vietravel Airlines.

Tuy nhiên, mức giá này thường là những chuyến bay sáng sớm và đêm muộn. Vé của Vietjet và Vietravel Airlines cũng chưa có hành lý ký gửi, chỉ có 7 kg hành lý xách tay. Còn mức cao nhất của hành trình này là của Vietnam Airlines lên tới hơn 6,2 triệu đồng.

Các mức trên đã cao hơn cả giá vé khứ hồi chặng TP HCM – Hà Nội dịp Tết đầu năm nay. Khi đó, giá vé đường bay này chỉ 2,5-2,8 triệu đồng của Vietjet, Vietravel Airlines. Vé của Bamboo Airways, Vietnam Airlines thấp nhất từ 3,5 triệu và 4 triệu đồng.

Đang trong cao điểm hè nên không chỉ chặng Hà Nội – TP HCM, giá vé nhiều hành trình tới các địa điểm du lịch, thành phố biển cũng cao ngất ngưởng. Giá phổ thông khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang hai tuần cuối tháng 7 từ 3 triệu đến hơn 6,7 triệu đồng.

Chặng Hà Nội - Quy Nhơn giá cũng từ 2,7 triệu đến 5 triệu đồng. Thậm chí giá vé bay thẳng khứ hồi chặng Hà Nội - Côn Đảo vào tuần cuối tháng 7 cao nhất đã lên đến hơn 10 triệu đồng. Vé chặng này thông thường cũng rất đắt, nhưng bình quân chỉ khoảng 6-7 triệu đồng. Sang đến tháng 8, giá vé máy bay các chặng nội địa mới bắt đầu "mềm hơn" khi một số chặng giảm vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng.

Tương tự thị trường nội địa, vé bay các chặng quốc tế hiện cũng khá đắt. Ví dụ, trong 2 tuần cuối tháng này, giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Bangkok thấp nhất từ 5,5 triệu, Hà Nội - Singapore từ 5,3 triệu đồng. Trước dịch, khách hàng nhiều thời điểm có thể dễ dàng mua được vé các chặng bay trên chỉ từ 3 triệu đồng. Giá vé bay thẳng các chặng từ Việt Nam đi châu Âu trong tháng 9,10 cũng ở mức cao như TP HCM - Frankfurt thấp nhất từ gần 24 triệu, Hà Nội - Paris từ hơn 40 triệu.

Đại diện Vietravel Airlines lý giải, không hề mong muốn nhưng vẫn phải tăng giá vé để cân đối, bù đắp chi phí chuyến bay. "Hè được xem là giai đoạn tích luỹ cho các mùa thấp điểm đi lại từ cuối tháng 8 đến hết tháng 11. Do vậy, đây là bài toán về quản trị doanh thu và đảm bảo hoạt động các hãng được bền vững", đại diện hãng bay này nói.

1-JPG-1656485387-1656485582-6511-1657869779.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NBdQGT7sqJMIQsMalShd8Q
Các quầy làm thủ tục tại nhà ga nội địa sân bay Nội Bài kín khách hồi cuối tháng 6. Ảnh: Ngọc Thành

Dù thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng, vượt mọi dự báo gần đây, giá vé lên cao, một số hãng vẫn kiến nghị nới trần giá vé máy bay khi cho rằng khung hiện nay không còn phù hợp. Đồng thời, đây cũng được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp bù đắp một phần chi phí do giá nhiên liệu bay tăng quá cao.

Đại diện Vietnam Airlines lý giải thông tư quy định giá trần được xây dựng trên cơ sở giá nhiên liệu bay khoảng 80 USD một thùng, còn bình quân cả năm nay khoảng 140 USD. Việc nới giá trần giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ những khách có khả năng chi trả, nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như giúp thị trường tăng tính cạnh tranh.

Đại diện Bamboo Airways thì cho rằng ngành dịch vụ hàng không không bị khống chế bởi giá trần. Việc điều hành giá nên tuân theo cơ chế thị trường để các hãng có thêm lựa chọn trong hoạt động kinh doanh.

Theo: VNE

https://vnexpress.net/gia-ve-may-bay-chua-ha-nhiet-4487788.html