Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới rạng sáng nay (29/10) “lao dốc” với giá vàng giao ngay giảm 16,4 USD xuống còn 1.645,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.644,8 USD/ounce, giảm 20,8 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng châu Á đảo chiều giảm do sự phục hồi mạnh của đồng bạc xanh. Cụ thể, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng mạnh 0,78 % và gần chạm mốc 111. Đồng USD được thúc đẩy sau khi dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy nền kinh tề đầu tàu thế giới đã chấm dứt 2 quý tăng trưởng âm với mức tăng 2,6% trong quý 3.
Bên cạnh đó, thị trường đón nhận dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ khi ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2022 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, GDP cao hơn so với dự báo là 2,3%. Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) của nước này lại thấp hơn dự kiến khi chỉ tăng 4,2%. PCE là chỉ số được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ như một thước đo lạm phát, và cũng là một chỉ báo kinh tế quan trọng tác động tới chính sách tiền tệ của Fed sắp tới.
Phản ứng trước thông tin này, đồng USD đảo chiều tăng giá khiến giới đầu cơ không mạnh tay đưa vốn vào kim loại quý. Giá vàng thế giới giằng co trong vùng 1.660-1665 USD/ounce sau nhiều giờ liên tiếp.
Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý đứng khá vững trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.650 USD/ounce sau cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm thứ Năm, ECB một lần nữa tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên 1,5%/năm. Điều này cũng có nghĩa, đồng USD sẽ có ít cơ hội bứt phá hơn cho dù Fed cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong các lần họp sắp tới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,8% xuống 19,24 USD/ounce và giá bạch kim mất 1,1% xuống 949,21 USD/ounce.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo, giá kim loại quý sẽ còn nhiều thách thức trong năm tới do Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm 2023. Giá vàng có thể giảm thêm 4% trong năm tới. Dự báo này được đưa ra khi vàng giảm 8% trong quý 3 năm 2022.
Trong báo cáo mới đây, tổ chức tài chính quốc tế này cho rằng việc tăng lãi suất và tăng giá của đồng USD đã vượt qua lo ngại về lạm phát gia tăng và rủi ro địa chính trị. Fed đã tăng lãi suất chính sách 5 lần trong năm nay với tổng cộng 3 điểm phần trăm, dẫn đến chỉ số US Dollar Index tăng 16% lên mức cao nhất trong 20 năm. Trong khi đó, lợi suất của kho bạc 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 2-2011, làm tăng chi phí cơ hội của việc đầu tư vào tài sản không lãi suất như vàng.
Trước đó, vào tháng 4, WB đã kỳ vọng giá vàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2022 và sau đó giảm 10% vào năm sau.
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước đi xuống trong bối cảnh giá vàng thế giới không duy trì được đà phục hồi. Hiện, vàng SJC giao dịch ở ngưỡng trên 67 triệu đồng/lượng bán ra.
Với mức điều chỉnh này, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 66,12 triệu đồng/lượng mua vào và 67,12 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên trước đó.
Giá vàng DOJI được công ty này niêm yết ở mức 66,00 triệu đồng/lượng mua vào và 67,12 triệu đồng/ lượng bán ra.
Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 66,20 triệu đồng/lượng mua vào và 67,15 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng Phú Quý SJC đang mua vào mức 66,05 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,10 - 67,09 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 52,45 - 53,46 triệu đồng/lượng.