Vàng miếng SJC bất ngờ tăng giá mua vào từ cuối ngày 12.7 và hiện giữ nguyên giá giao dịch này. Cụ thể, SJC và PNJ cùng tăng thêm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, đưa giá mua lên 75,48 triệu đồng; Tập đoàn Phú Quý cũng tăng 300.000 đồng khi mua vào lên 75,8 triệu đồng...
Trong khi đó, các công ty vẫn giữ ổn định giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 1 tháng qua. Điều này rút ngắn chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC xuống còn 1 triệu đồng/lượng và cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Riêng vàng nhẫn 4 số 9 SJC được mua vào ở mức 75,15 triệu đồng và bán ra 76,65 triệu đồng, giảm 150.000 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giữ nguyên giá mua vàng nhẫn ở mức 75,15 triệu đồng, bán ra 76,6 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn ở mức 75,9 triệu đồng và bán ra 77,15 triệu đồng, giảm 250.000 đồng so với sáng hôm qua.
Giá vàng thế giới duy trì ở mức 2.411,6 USD/ounce, tăng nhẹ so với hôm qua. Do vàng miếng SJC vẫn không thay đổi nên chỉ còn cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn trên thị trường cao hơn 4 triệu đồng.
Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Mỹ được công bố hôm qua cho thấy tăng nhẹ trong tháng 6, điều này khẳng định rằng lạm phát đã tiếp tục xu hướng giảm. Trước đó, báo cáo giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 6 đã hỗ trợ kim loại quý tăng cao khi nhà đầu tư kỳ vọng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất từ tháng 9 tới.
Nhận định trên CNBC, ông Jim Wyckoff - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Kitco Metals - cho rằng thị trường đang chứng kiến một số áp lực chốt lời sau khi vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, xét theo phản ứng của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, số liệu PPI không thực sự làm lu mờ báo cáo lạm phát hạ nhiệt mà chúng ta đã thấy vào ngày 11.7. Vì vậy, khả năng cao lãi suất sẽ giảm trong năm nay, có thể sớm nhất vào tháng 9. Thông thường, lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy giá vàng đi lên...