Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất thế giới

Giá gạo Việt Nam "neo" ở mức cao một năm qua trong bối cảnh các nhà giao dịch dự báo nhu cầu cuối vụ sẽ tăng lên, trong khi giá gạo từ các "vựa lúa" khác không đổi do không có đơn đặt hàng mới.

Xuất khẩu gạo cao kỷ lục

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 713.546 tấn (tăng hơn 22% so với tháng 9) với giá trị đạt hơn 341 triệu USD (tăng 24%), trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta.

Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 6,1 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD USD (tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021).

Giá gạo Việt Nam

Philippines vẫn duy trì là thị trường số 1 về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm gần 13% trong tổng lượng với kim ngạch gần 383 triệu USD, Bờ Biển Ngà nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo, với khoảng 265 triệu USD...

Năm nay, xuất khẩu gạo sang các thị trường FTA tăng rất mạnh từ 18 - 35% như các nước trong RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) đạt 4,1 triệu tấn, gần 2 tỷ USD. Thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đạt hơn 510.000 tấn, gần 250 triệu USD.

Giá gạo 'neo' ở mức cao

Trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn.

Trong 2 tuần đầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, cách biệt so với các nước đẩy giá gạo trong nước tăng theo và giao dịch sôi động hơn. Cụ thể, ngày 13/11, lúa đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg….

Các thương nhân cho biết giá gạo có thể sẽ duy trì ở mức này hoặc thậm chí tăng nhẹ trong những tuần tới, vì nhu cầu thường cao hơn vào cuối năm, trong khi nguồn cung lương thực toàn cầu không ổn định liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Dù có sự sụt giảm nhẹ giá lúa gạo tại thị trường trong nước trong tuần qua nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang 'neo' ở mức cao trong một năm mà bối cảnh các nhà giao dịch dự báo nhu cầu cuối vụ sẽ tăng lên, trong khi giá gạo từ các 'vựa lúa' khác như Thái Lan, Ấn Độ không đổi do không có đơn đặt hàng mới.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 410 USD/tấn, so với mức 405 - 410 USD/tấn trong tuần trước. Giá không chênh lệch nhiều do nhu cầu hạn chế, tuy nhiên các thương nhân cho hay giá lương thực thiết yếu này có thể sẽ giảm khi có nguồn cung mới từ vụ thu hoạch sắp tới.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức từ 370-375 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại, nhưng các nhà xuất khẩu không thể giảm giá do rupee đang tăng giá trong vài ngày gần đây.

Lượng mưa lớn hồi đầu tháng đã làm hư hại cây lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính. Trong khi đó, lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng ở nước láng giềng Bangladesh tại thời điểm nước này đang vật lộn để kiềm chế giá gạo trong nước tăng do nguồn cung thấp.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng của Bangladesh có thể giảm 1% so với năm 2021 xuống còn 35,6 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023 do lũ lụt.

Xu hướng tăng sẽ kéo dài trong thời gian tới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo Việt Nam tăng giá mạnh là do nhu cầu nhập khẩu quốc tế những tháng cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa. Đặc biệt, sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, nhiều đối tác đã chuyển hướng sang các thị trường khác, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu. Giá gạo Việt Nam đã tăng hơn 30 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách.

Thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao như lúa đài thơm 8, OM 5451, OM 18…những giống lúa không nước nào có, đẩy giá gạo Việt Nam bán được mức cao.

Dự báo thị trường gạo cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng tăng sẽ kéo dài trong thời gian tới. Mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 12.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) dự báo, với bức tranh xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm đến nay, trong 2 tháng cuối năm chỉ cần mỗi tháng đạt được mức tối thiểu 600.000 tấn, ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo. Đây là lượng gạo xuất khẩu cao thứ hai trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ sau năm 2012.