Giá cà phê hôm nay 25/11: Giá cà phê trong nước giảm 500 đồng/kg

Giá cà phê trong nước hôm nay 25/11 giảm 500 đồng/kg, hiện dao động ở mức 39.200 – 39.700 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 25/11 tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giảm 500 đồng/kg, hiện cà phê được thu mua với mức giá từ 39.200 – 39.700 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai đứng ở mức 39.500 đồng/kg tại huyện Chư Prông; tại thành phố Pleiku và huyện Ia Grai giá là 39.600 đồng/kg.

Tại tỉnh Kon Tum, giá cà phê hôm nay đang được thu mua ở mức 39.600 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk được thu mua ở mức 39.700 đồng/kg.

Cà phê tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với giá thấp nhất, 39.200 đồng/kg

Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê, tại các tỉnh thành ghi nhận vụ mùa cà phê tăng cả về số lượng và chất lượng. Vụ thu hoạch cà phê mới tại nước ta đang chịu nhiều áp lực khi nguồn cung thế giới đang tăng.

giá cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 25/11 giảm 500 đồng/kg, hiện dao động ở mức 39.200 – 39.700 đồng/kg.

Về giá cà phê thế giới, giá cà phê trên 2 sàn quay đầu giảm nhẹ, hiện giá cà phê Robusta đang đứng quanh mức 1.800 USD/tấn.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giảm nhẹ. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 đứng ở mức 1.814 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 1 USD, còn 1.789 USD/tấn, các mức giảm không rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 1,95 cent, còn 162,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1,45 cent, xuống 162,95 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Tính đến ngày 22/11, dự trữ cà phê được ICE chứng nhận trên sàn New York đã tăng lên 530.105 bao, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất trong 23 năm là 382.695 bao được thiết lập vào ngày 3/11.

Theo chuyên gia, sự lo ngại rủi ro trước kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, Canada và một số quốc gia khác đã khiến giá cà phê kỳ hạn đảo chiều sụt giảm. Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, trong khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.

Về thị trường cà phê trong nước, cả giá bán và sản lượng đều đạt các mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và góp phần đưa Việt Nam giữ vị thế là một trong những quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê tăng 10,9% về lượng, tăng 33,7% về kim ngạch và tăng 20,6% về giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,43 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nga, Anh, Australia, New Zealand… đều tăng do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, nguồn cung toàn cầu thắt chặt và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn, cùng với chi phí logistic tăng cao.

Riêng thị trường EU chiếm 38,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua với khối lượng đạt 551.610 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 19% về lượng và tăng 43,4% về trị giá. Trong khối EU, ngoại trừ lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 9,4% các thị trường khác đều tăng mạnh như Bỉ tăng gấp 2,2 lần, Hà Lan tăng 2,5 lần, Tây Ban Nha tăng 37,3%, Italy tăng 8,9%...

anh1920221124211327.png?rt=20221124211811 Nếu giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay, thì cả năm 2022, ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.

Các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững...