Giá cà phê trong nước hôm nay (16/10) ở các tỉnh Tây Nguyên được thu mua với giá từ 44.500 – 45.000 đồng/kg. Giảm 800 đồng/kg so với hôm qua (15/10).
Cụ thể, giá cà phê tại các huyện Ia Grai, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) và một số huyện tại tỉnh Kon Tum đều duy trì ở mức 44.700 – 44.800 đồng/kg
Riêng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk vẫn được thu mua với giá cao nhất 45.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 44.500 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/10 tiếp tục giảm mạnh. Hiện giá cà phê dao động ở mức 44.500 – 45.000đồng/kg. Giảm 800 đồng/kg so với hôm qua (15/10).
Đối với thị trường cà phê thế giới, giá cà phê trên 2 sàn tiếp tục giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 11/2022 giảm giá xuống 38 USD (-1.81%), đóng cửa ở mức 2,061 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 46 USD, còn 2.051 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng tình trạng giảm khá mạnh. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm 5,45 cent (-2.7%), xuống 196.7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 4,35 cent, còn 197,05 cent/lb. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Theo nhận định của chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá cà phê giảm sâu là việc chịu ảnh hưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Hoa Kỳ cao hơn dự kiến, lạm phát tại xứ sở cờ hoa đã đạt mức 8,2% cao hơn ước tính. Thị trường lo ngại rằng Fed sẽ mạnh tay thắt chặt tiền tiền tệ tại phiên họp chính sách sắp tới khiến giới đầu cơ rút vốn. Cùng với đó là thông tin Việt Nam sẽ đưa lượng hàng vụ mới 2022 - 2023 ra thị trường vào những ngày tới và tình hình mưa thuận lợi ở các vùng trồng cà phê trọng điểm của Brazil.
Chuyên gia dự báo, chịu tác động bởi yếu tố tiền tệ, giá cà phê Robusta vẫn còn nằm trong xu hướng giảm tuy nhiên không lại trừ khả năng phục hồi theo tình trạng đồng USD.
Về thị trường cà phê trong nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 92,55 nghìn tấn, trị giá trên 226 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 4,9% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,34 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt được kim ngạch 3,9 – 4 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, ngành cà phê đang xây dựng kế hoạch xuất khẩu tăng lên khoảng 6 - 7 tỷ USD/năm.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành cà phê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.