Mùa Hè 2024 chỉ mới bắt đầu, nhưng nhiều vụ đuối nước thương tâm cùng những tai nạn thương tích khác đã cướp đi sinh mạng của không ít trẻ em.
Hồi chuông cảnh báo liên tục được gióng lên nhưng tang thương vẫn chưa dừng lại, nỗi đau, day dứt đeo đẳng các bậc phụ huynh.
Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị tai nạn, thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình, trong đó, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu.
Cứ mỗi dịp Hè về, thảm cảnh đuối nước gia tăng đáng báo động, nhân lên nỗi đau trong nhiều tổ ấm, trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng. Nghỉ Hè rồi, trời nóng, từng nhóm trẻ rủ rê nhau đi biển, lội suối, tắm ao rồi bị sóng đánh trôi, bị bước hụt chân, bị rơi vào dòng nước xoáy...
Bàn tay níu của người lớn đã chẳng thể cứu được tất cả, bởi vậy, có những đứa con mãi mãi không về, nhuộm trắng mái đầu mẹ cha. Biển đông nghịt người, hồ rộng thênh thang, sông suối trơn trượt, núi cao gập gềnh, khúc khuỷu… trong khi con trẻ còn ham vui, thiếu kiến thức và chưa đủ đầy kỹ năng nên chẳng thể ngăn bước chân trẻ lê la đến những nơi nguy hiểm, hay dừng lại trước các trò chơi mạo hiểm...
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích lên đến 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tai nạn về điện hoặc điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã, cháy… Trong đó, nhóm tuổi 15 - 19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5 - 14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%.
Luật Trẻ em quy định, cha, mẹ phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em...
Chính vì thế, một khi để xảy ra tai nạn không hay, gây tổn hại đến trẻ, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc phụ huynh. Chúng ta không thể theo sát bên con, với tay can thiệp tất tần tật vào mọi chướng ngại vật con gặp phải để khiến trẻ bị tước mất sức đề kháng và thiếu hụt kỹ năng sống.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không thể để mặc trẻ tự do, tự chơi và tự lo sự an toàn cho chính mình, đó chỉ có thể gọi là sự thơ ơ của người lớn, mà đôi khi đến vô cảm.
Việc trông coi và bảo vệ trẻ, là trách nhiệm phải có của mỗi bậc mẹ cha. Nhưng để mỗi đứa trẻ được bình an khôn lớn, phát triển toàn diện và hạnh phúc, chỉ mỗi sự nỗ lực của cha mẹ là chưa đủ.
Đó còn là trách nhiệm của nhà trường, của toàn xã hội trong việc tạo ra một môi trường sống an toàn, lành mạnh, tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng cho trẻ, để hạn chế trẻ phải đối mặt với vô vàn nguy cơ, rủi ro...
Tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em. Tháng để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực phối hợp của tất cả các bên liên quan, những vụ việc đau lòng, những cái chết thương tâm sẽ sớm được đẩy lùi, để tai nạn thương tích không còn là nỗi ám ảnh, là niềm đau của những gia đình.