Đi làm gần 20 năm, nay giám đốc bắt ký lại hợp đồng lao động có đúng không?

Theo luật sư, việc yêu cầu ký mới hợp đồng lao động hoặc ký phụ lục hợp đồng đảm bảo điều kiện quy định tại Bộ luật Lao động.

Bạn đọc đặt câu hỏi: Tôi đi làm tại một doanh nghiệp từ năm 2005 và đóng bảo hiểm đầy đủ, đến tháng 5 năm 2024 doanh nghiệp này sáp nhập vào 1 doanh nghiệp khác. Nay, giám đốc ở công ty mới thông báo sẽ ký lại hợp đồng làm việc.

Vậy việc ký lại hợp đồng lao động có đúng không và sẽ được thực hiện theo những quy định pháp luật nào?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) giải đáp như sau:

Việc này sẽ căn cứ vào Điều 43 Bộ luật Lao động quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đó, trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật Lao động.

Đi làm gần 20 năm, nay giám đốc bắt ký lại hợp đồng lao động có đúng không?
Việc kí kết hợp đồng lao động phải tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động. Ảnh minh họa.

Người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án sử dụng lao động đã được thông qua. Người lao động bị thôi việc được nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Lao động.

Bên cạnh đó, tại Điều 33 Bộ luật Lao động quy định việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Trường hợp hai bên thỏa thuận được, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động, tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp này giám đốc mới ở công ty được sáp nhập hoàn toàn có thể yêu cầu ký mới hợp đồng lao động hoặc ký phụ lục hợp đồng.

Tuy nhiên, việc yêu cầu ký mới hợp đồng lao động hoặc ký phụ lục hợp đồng đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 33, 43 Bộ luật Lao động.

Cụ thể, bên yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Hai bên thỏa thuận được, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Nếu hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.