Đeo kính áp tròng đi ngủ thường xuyên nguy cơ hỏng giác mạc

Theo các bác sĩ, việc đeo kính áp tròng thường xuyên, kể cả khi đi ngủ dễ dẫn đến hội chứng khô mắt, viêm giác mạc mãn tính.

Thói quen tai hại khi đeo kính áp tròng đi ngủ

Kính áp tròng ngày càng được sử dụng rộng rãi đặc biệt là ở giới trẻ bởi sự tiện lợi và mang tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, đây cũng là phương án hỗ trợ thị lực cho những người mắc tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị. Tuy nhiên, kính áp tròng chỉ là giải pháp tạm thời, không những vậy, nếu quá lạm dụng kính áp tròng, có thể gây nguy hại cho mắt.

Xiao Chen, 21 tuổi đến từ Hàng Châu, Trung Quốc thường thích đeo kính áp tròng. Nhưng một hôm, khi tỉnh dậy, mắt cô đau tới mức không để mở. Người nhà lập tức đưa cô đi cấp cứu tại bệnh viện Hàng Châu.

Nguyên do là trước đó vài ngày, Xiao Chen rất bận rộn. Khi về tới nhà, cô mệt mỏi đến mức ngủ quên, không tháo kính áp tròng. Sáng hôm sau, ngay cả khi chớp mắt, Chen vẫn cảm thấy rất khô, đau mắt. Lúc này, chiếc kính áp tròng dường như đã bám sâu vào nhãn cầu và rất khó tháo ra. Xiao Chen liền nhỏ vài giọt dung dịch dưỡng ẩm, đeo kính áp tròng thêm một ngày nữa. Sau đó, cô phải nhập viện.

Đeo kính áp tròng đi ngủ thường xuyên nguy cơ hỏng giác mạc
Thói quen đeo kính áp tròng đi ngủ tác hại khôn lường cho mắt. Ảnh minh họa

Tại bệnh viện các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng cho Xiao Chen và cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm kèm theo loét giác mạc. Xiao Chen cho biết cô đã đeo kính áp tròng nhiều năm và đây không phải là lần đầu tiên đeo chúng đi ngủ. Sau khi tan làm, cô chỉ muốn đi tắm và đi ngủ, thường xuyên quên tháo lens và việc bị đau mắt chưa từng xảy ra trước đây.

Trước đó Katerina Kurteeva, bác sĩ nhãn khoa ở thành phố Newport Beach, bang California, Mỹ cũng đã đăng tải đoạn video ghi lại quá trình tháo nhiều kính áp tròng khỏi mắt một phụ nữ lớn tuổi.

Cô cho biết đã lấy ra không dưới 23 chiếc lens mà bệnh nhân bỏ quên trong mắt suốt vài tháng, thậm chí có thể là nhiều năm, theo Oddity Central. Bác sĩ Kurteeva giải thích rằng bệnh nhân của cô luôn quên tháo kính áp tròng trước khi đi ngủ và liên tục thêm những chiếc mới vào sáng hôm sau.

Thực tế, 23 kính áp tròng trong một mắt thậm chí không phải là kỷ lục. Vài năm trước, một phụ nữ 67 tuổi đến từ Vương quốc Anh bỏ quên 27 kính áp tròng trong mắt mình hơn 35 năm.

Dễ gây loét giác mạc và giảm thị lực

Theo bác sĩ Zhu điều trị cho Xiao Chen, bản thân kính áp tròng là một vật thể lạ đối với mắt. Một mặt, dùng kính áp tròng rất dễ đưa vi khuẩn vào mắt qua tay khi đeo. Mặt khác, kính áp tròng mềm sẽ che trực tiếp lên giác mạc, khiến mắt luôn trong tình trạng thiếu oxy, dễ gây ra các bệnh về giác mạc. Ngoài ra, độ lõm của một số loại kính áp tròng trên thị trường không phù hợp với độ lồi của giác mạc. Việc giác mạc bị mòn không đều dễ gây loét giác mạc và giảm thị lực.

Bác sĩ Zhu nói với Xiao Chen rằng việc đeo kính áp tròng trong thời gian dài mà không chú ý vệ sinh khiến giác mạc trở nên rất dễ bị tổn thương. Với tình trạng hiện tại của Xiao Chen, việc đeo kính áp tròng sẽ không còn phù hợp nữa.

Nếu mắt bị thiếu oxy trong thời gian dài, mắt sẽ bị đỏ và viêm, khiến giác mạc bị đục. Có rất nhiều loại bệnh về mắt có thể xảy đến, ví dụ như mật độ trung bình của tế bào nội mô giác mạc giảm đi rất nhiều, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn làm giảm độ rõ nét của mắt.

Tế bào nội mô giác mạc không thể tái tạo và không thể phục hồi sau khi bị tổn thương. Nó giảm dần theo tuổi tác. Vì vậy, độ trong của mắt bị tổn thương sẽ kém hơn người bình thường và thị lực không rõ bằng người bình thường. Bệnh nhân nói chung không thể cảm nhận được những thay đổi tinh tế này và chỉ có thể phát hiện ra chúng thông qua các dụng cụ, thiết bị.

Gây nhiễm trùng, khô mắt

Nếu kính áp tròng không được làm sạch đúng cách, nó có thể gây nhiễm trùng mắt. Khi mắt gặp phải vi khuẩn có độc tính cao tấn công lặp đi lặp lại, lâu ngày không chữa rất dễ dẫn đến thủng giác mạc. Đến lúc mắt bạn không còn nhìn thấy được nữa và bạn cần phải ghép giác mạc thì đã quá muộn.

Cả kính áp tròng có màu và kính áp tròng không màu thông thường đều có thể làm hỏng mắt. Tuy nhiên, do kính áp tròng có thêm màu sắc, kết cấu nổi bật hơn sẽ tạo độ mòn kết mạc và giác mạc nhiều hơn.

Bệnh nhân đeo kính áp tròng phần lớn bị viêm kết mạc mãn tính và viêm giác mạc do nhiễm trùng thứ cấp. Cũng có trường hợp vô tình bị trầy xước giác mạc khi đeo kính áp tròng, gây viêm. Ngoài ra, việc đeo kính áp tròng lâu dài sẽ ức chế sự tiết nước mắt ở một mức độ nhất định, thành phần của nước mắt sẽ thay đổi, dễ dẫn đến hội chứng khô mắt.

Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng ăn giác mạc

Trước đó các nhà khoa học Anh đã lên tiếng cảnh báo về một loại amip ăn giác mạc có khả năng gây mù lòa cho những người đeo kính áp tròng.

Các giáo sư ở Anh đã đưa ra kết luận về loại ký sinh trùng có tên Acanthamoera là một loại thực vật đơn bào có khả năng tìm thấy trong đất, nước và cả hồ bơi, gây viêm giác mạc dẫn đến mù lòa.

Ai cũng có thể bị amip ăn giác mạc, nhưng nguy cơ đó ở người đeo kính áp tròng cao hơn so với những người không đeo loại kính này. Nếu thấy nhóm triệu chứng gồm đau mắt, tấy đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ thì phải đến ngay cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguy cơ gây tắc nghẽn mắt, thiếu oxy

Kính áp tròng có màu thường có các thành phần hóa học quá mức, lại kết hợp với các thói quen xấu khi đeo kính hoặc mắt bị nhạy cảm với thời tiết có thể gây ra tắc nghẽn ở mắt, viêm ở mắt, thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng làm cho mắt bị biến dạng và nhiễm trùng mắt, gây các bệnh nghiêm trọng như thủng giác mạc mắt và có nguy cơ bị mù mắt vĩnh viễn. Không những vậy, màu của kính áp tròng còn làm giảm tầm nhìn của mắt vì phụ thuộc vào vật liệu của kính áp tròng.

Các nhà khoa học cảnh báo những người sử dụng kính áp tròng có thể bị mù mắt nếu mắc một loại ký sinh trùng thường được tìm thấy trong nước máy.

Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với mọi người sử dụng kính áp tròng. Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi, ngoài biển và các bể bơi. Chúng có thể tự vỗ béo bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong những mắt kính áp tròng bẩn.

Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được gắn vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của loại vi khuẩn này sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát , chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí và đau mắt.

Những lưu ý khi đeo kính áp tròng

Bệnh viện Vinmec khuyến cáo, trước khi sử dụng kính áp tròng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt bởi những người bị các bệnh về mắt nếu đeo kính áp tròng có thể bị kích ứng mắt. Bên cạnh đó, kính áp tròng cần đeo đúng độ đối với người bị các tật khúc xạ nên cần được khám kỹ trước khi mua, sử dụng. Không sử dụng kính áp tròng không rõ nguồn gốc. Trước khi tháo hoặc đeo kính áp tròng cần rửa tay thật sạch.

Ngoài ra còn có những nhân viên văn phòng làm việc trong phòng máy lạnh thời gian dài, mắt cũng rất dễ bị khô. Một số cảnh sát giao thông, lái xe, giáo viên thể dục... thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời thì tốt nhất không nên đeo chúng. Tốt nhất là không nên đeo kính áp tròng nếu có các triệu chứng như nhiễm trùng cấp tính ở mí mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, đau mắt hột, tắc tuyến lệ hoặc giảm tiết nước mắt.

Mặc dù các bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng kính áp tròng, nếu bắt buộc phải sử dụng thì tốt nhất không nên sử dụng quá 8 giờ mỗi lần.

Trong thời gian nghỉ ngơi nên ngâm kính áp tròng trong dung dịch rửa kính chuyên dụng để giúp kính không bị biến dạng, tăng tuổi thọ của kính; Nhỏ mắt từ 6 - 8 lần khi đeo kính áp tròng từ 10h - 12h; Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ vì khi lấy kính ra khỏi dung dịch, nó đã bị nhiễm khuẩn bởi tay hoặc dụng cụ lấy kính nên nếu ngâm lại sẽ làm kính bị nhiễm trùng, gây kích ứng mắt; Không sử dụng lại đối với loại kính áp tròng dùng 1 lần; Không dùng kính áp tròng khi đang bị đau mắt với các biểu hiện như sưng, đỏ, chảy nước mắt.

Không đeo kính áp tròng quá hạn sử dụng vì sau thời hạn sử dụng, kính sẽ mất khả năng tự bảo vệ, các tạp chất, vi khuẩn có thể bám vào kính. Thay kính sau mỗi 3 - 6 tháng sử dụng tùy loại. Không dùng chung kính áp tròng với người khác để tránh nguy cơ lây lan các bệnh về mắt.