Đặt mục tiêu vừa sức để giúp con thích học

Làm thế nào để tạo động lực cho trẻ là mối quan tâm của phụ huynh khi con bước vào năm học mới.

Để tạo động lực học tập cho trẻ, việc đặt mục tiêu đúng mức, không gây áp lực quá lớn cho con là một trong những nguyên tắc quan trọng.

Vai trò từ cha mẹ và nhà trường

Cách tạo động lực cho con luôn là vấn đề mà bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào cũng nên biết và hiểu rõ. Bởi lẽ, khi được tiếp thêm động lực, con sẽ dễ dàng có sức mạnh cũng như sự dũng cảm để vượt qua khó khăn, thử thách trong học tập và cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế, không chỉ cha mẹ, mà thầy cô cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo động lực cho trẻ. Một nghiên cứu được thực hiện tại một trường mầm non ở Phần Lan vào năm 2020 - 2021 đã chỉ ra điều đó. Những người tham gia nghiên cứu là 17 trẻ mẫu giáo và giáo viên của các em.

Thí nghiệm diễn ra theo ba giai đoạn: Định hướng, chơi và xây dựng. Trong giai đoạn định hướng, trẻ mẫu giáo được làm quen với chủ đề bằng cách thảo luận tin tức, đọc. Trong giai đoạn vui chơi, trẻ mẫu giáo làm việc theo nhóm nhỏ và tạo ra nhiều thông tin cũng như câu chuyện khác nhau bằng cách tạo, chơi và quay tin tức của riêng mình. Trong giai đoạn xây dựng, trẻ mẫu giáo trình bày tin tức của mình cho người khác và toàn bộ quá trình được xây dựng, thảo luận trong lớp học.

Các phát hiện chỉ ra rằng, những chiến lược tạo dựng động lực của giáo viên bao gồm: Kết nối với kinh nghiệm và sở thích trước đây của trẻ mẫu giáo, thúc đẩy kỹ năng khám phá, hỗ trợ các cấp độ phát triển khác nhau của trẻ và khuyến khích chúng tham gia vào hoạt động học tập vui tươi.

Những phát hiện của nghiên cứu này cũng nêu bật một số điểm chính liên quan đến nền tảng tạo động lực của giáo viên và các tác nhân tạo động lực cho trẻ mẫu giáo trong việc thúc đẩy khả năng đọc viết đa dạng và các kỹ năng kĩ thuật số.

Giáo viên với tư cách là người hỗ trợ và động viên là một trong những yếu tố kích thích tạo động lực cho trẻ. Đầu tiên, việc giáo viên sử dụng các chiến lược tạo động lực đã góp phần đáng kể vào động lực và sự tham gia của học sinh.

Một số chiến lược có thể kể đến là: Lắng nghe trẻ, hỏi mong muốn và nhu cầu, cho phép học sinh làm việc độc lập, trợ giúp khi cần, phản ứng nhanh và đồng cảm với quan điểm của trẻ. Ngoài ra, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng lợi ích và quan điểm của trẻ em để duy trì động lực cho bé.

giup-con-thich-hoc-1-1956.jpegTrẻ có xu hướng nghe lời hơn khi được cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu. Ảnh minh họa.

Không tạo áp lực quá lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu một đứa trẻ thiếu động lực, tình trạng đó có thể đến từ sự tự phê bình gay gắt do không phù hợp với tiêu chuẩn cao của cha mẹ. Kết quả là, nỗi sợ bị bên ngoài chỉ trích và đánh giá thấp ngăn cản đứa trẻ tham gia bất kỳ hoạt động nào. Vì vậy, điều chỉnh những kỳ vọng của cha mẹ là một giải pháp. Phụ huynh cần đánh giá một cách thực tế khả năng, tài năng của con mình và không thúc ép trẻ quá nhiều.

Cha mẹ nên tập trung vào những hoạt động mang lại cho trẻ niềm vui và cảm giác hài lòng. Ví dụ, nếu trẻ thích các bài học lịch sử hơn toán học, phụ huynh hãy thúc đẩy tình yêu này và bày tỏ sự quan tâm đối với môn học đó. Hãy cho trẻ thấy rằng, cha mẹ tán thành sở thích và sẵn sàng giúp đỡ nếu con cần.

Chúng ta thường nghe nói “áp lực tạo kim cương”. Tuy nhiên, với trẻ - những người nhạy cảm, đang trong giai đoạn hình thành tính cách, liệu việc chịu quá nhiều áp lực có hiệu quả? Thực tế, rất nhiều phụ huynh có tâm lý muốn con mình biết nhiều, biết sớm để không thua kém bạn bè.

Không hiếm để gặp các học sinh có lịch học thêm dày đặc, phải ăn uống vội vàng, hối hả đến lớp học, không có thời gian nghỉ ngơi. Các con thường trong trạng thái ủ rũ, mệt mỏi, học tập kém hiệu quả. Thực tế, việc bị thúc ép nhiều chưa chắc mang lại hiệu quả, mà thậm chí còn có thể khiến trẻ mất động lực.

“Làm sao để khơi gợi cảm hứng học tập cho con? Tôi nghĩ nên hướng theo cách ‘học mà chơi, chơi mà học’. Khi đó, phụ huynh sẽ tạo được cảm giác cho con mình rằng, học tập không phải là hoạt động mệt mỏi, nặng nề...”, anh Nguyễn Trung Quân (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Từ góc độ là một người cha, từng trải qua những cảm giác lười học, anh Quân thường khuyến khích con mình tìm hiểu những chủ đề mà bản thân thích, soạn những tài liệu đa dạng, nhiều mô hình khác nhau. Sau đó, anh hướng dẫn bài cho con thông qua một số trò chơi. Phụ huynh này cho biết đã thấy rõ sự hứng thú của trẻ khi kết hợp học tập và trò chơi.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hoài An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 7 cho rằng, hiện nay, có khá nhiều cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào việc học tập của con mình. Do đó, nếu trẻ đạt thành tích không tốt, nhiều cha mẹ sẽ chê trách và so sánh với “con nhà người ta”. Họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ khiến con noi theo những tấm gương sáng để học tập.

“Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Chính những lời chê trách, so sánh cùng với khối lượng bài tập lớn đã vô tình tạo ra một áp lực rất lớn đối với trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ lười học, không muốn làm bài tập về nhà, sợ bị điểm kém, mất hứng đối với học tập. Thậm chí, trẻ có thể ngày càng trở nên tự ti, thiếu quyết đoán đối với những việc mình làm”, phụ huynh này cho biết.

giup-con-thich-hoc-1-9650.pngPhụ huynh hãy cho trẻ thấy rằng, cha mẹ tán thành sở thích và sẵn sàng giúp đỡ nếu con cần. Ảnh minh họa.

Thấu hiểu khó khăn của trẻ

Do đó, để tạo động lực học tập cho trẻ thì việc đặt mục tiêu đúng mức, không gây ra áp lực quá lớn cho con là một trong những nguyên tắc quan trọng mà các cha mẹ cần nhớ. Thay vì trách mắng khi con có kết quả học tập chưa tốt, cha mẹ nên giúp trẻ tìm ra điểm sai và khắc phục nó.

Thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean - Jaurès (Pháp), tham vấn viên tâm lý tại Trường Đại học RMIT, cho biết: “Những nghiên cứu trong tâm lý học chỉ ra, con người có hai dạng động lực: Động lực nội tại và động lực bên ngoài”.

Theo chuyên gia này, hình ảnh minh họa rõ nhất cho động lực nội tại chính là hình ảnh trẻ lần đầu được đưa cho tờ giấy và cái bút, con có thể ngồi vẽ mê mải hàng giờ mà không chán. Nói cách khác, động lực nội tại chính là niềm vui và sự thỏa mãn nảy sinh một cách tự nhiên trong quá trình chúng ta thực hiện một hành động nào đó. Ngược lại, động lực bên ngoài thường là kết quả hay hệ quả nhận được từ hành động mà chúng ta làm, theo kiểu thưởng - phạt. Chẳng hạn, đi làm vì đồng lương. Đồng lương chính là động lực bên ngoài.

Chuyên gia này phân tích, nếu chúng ta làm một việc gì đó chỉ vì động lực bên ngoài thì thường sẽ nảy sinh hai vấn đề: Một là không duy trì được lâu dài, hai là sẽ cảm thấy rất căng thẳng và mệt mỏi trong khi làm. Đây chính là tình huống xảy ra với đa số các nhiệm vụ mà cha mẹ muốn con làm. Đó là con chưa thực sự tìm được động lực nội tại hay có động lực nội tại nhưng thấp. Thay vào đó, con lại rất “thừa” động lực bên ngoài - áp lực từ cha mẹ. Kết quả là trẻ thường cố được một thời gian rồi bỏ hoặc chống đối trong khi làm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ không nên nhắc nhở con về bất cứ điều gì. Thay vào đó, điều cha mẹ cần làm là học cách tạo động lực nội tại cho con. Nếu trẻ cần thêm động lực bên ngoài, cha mẹ cũng có thể làm điều đó một cách khoa học và hiệu quả.

Thực tế, trong nhiều tình huống, trẻ sẽ cần thêm động lực bên ngoài, đến từ phía cha mẹ, để giúp con hoàn thành được việc cần làm. Song, các cách làm thông thường như la mắng (phạt) hay quy đổi phần thưởng (con làm thế này thì cha mẹ sẽ cho con cái kia), không phải là cách tối ưu nhất để thúc đẩy trẻ. Thay vào đó, cha mẹ cần một cách tiếp cận thể hiện sự thấu hiểu hơn cho những khó khăn của con.

Thay vì áp dụng thưởng - phạt, cha mẹ nên ngồi lại cùng con và tìm hiểu xem khó khăn trẻ đang có là gì. Bởi, trong nhiều trường hợp, trẻ thực sự muốn làm được điều như cha mẹ muốn (đạt điểm tốt, nói chuyện hoạt bát, dậy sớm) nhưng có những khó khăn nào đó đang cản trở. Nếu không được giải quyết, vấn đề sẽ lặp đi lặp lại.

Chuyên gia này cho biết, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc nói lên những gì mình quan sát thấy ở con mà chưa ổn. Đồng thời, thể hiện mong muốn muốn hiểu hơn và giúp đỡ con. Bởi, trẻ đặc biệt ở giai đoạn tuổi teen, sẽ thường hợp tác với cha mẹ hơn nếu cảm thấy được quan tâm và lắng nghe, thay vì bị ép buộc phải làm điều gì đó.