Khi đi làm, nhiều dân công sở bị người xung quanh nhận xét đang có những khoản chi tiêu lãng phí, rõ ràng có thể tiết kiệm nhưng vẫn không ngần ngại tiêu tiền. Còn về phía chính chủ, họ lại cho rằng bỏ số tiền đó là xứng đáng, tưởng hoang phí nhưng lại "tiết kiệm" nhiều khoản chi cho sức khoẻ và tinh thần khác.
Chi tiêu 4 triệu đồng/tháng cho tập gym
Hồng Diễm (25 tuổi, TPHCM) đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Gần đây, cô dành trung bình 15 - 17 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, trong đó có 4 triệu đồng cho tập gym. Các khoản chi này được cô phân bổ như sau:
- Tiền ăn uống: 3 triệu đồng.
Hồng Diễm đang đặt suất ăn healthy nấu sẵn của 1 bên, 3 bữa/ngày với giá thành combo 2,8 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó, cô còn chi thêm trung bình 200 ngàn đồng để mua đồ ăn linh tinh bên ngoài.
- Tiền thuê phòng (đã bao gồm chi phí điện nước): 2 triệu đồng
Phòng Hồng Diễm chỉ cách công ty 800m2, an ninh tốt. Nhược điểm là phòng rất nhỏ, tuy nhiên cô nàng chỉ định dùng chúng cho các nhu cầu cơ bản như ngủ nghỉ.
- Tiền đi chơi hẹn hò với người yêu: 500 ngàn đồng.
- Tiền tập gym: 4 triệu đồng
Hồng Diễm chi 300 ngàn đồng/tháng để đăng ký phòng tập gym. Sau đó, cô mất thêm 330 ngàn đồng/buổi để thuê PT hướng dẫn.
- Tiền mua sắm cho gia đình và phụ kiện linh tinh: 3 triệu đồng.
- Tiền đi du lịch và mua sắm linh tinh khác (mua đồ skincare, đồ ăn vặt, đi chơi với bạn bè…): 2 triệu đồng.
- Chi phí khác (tiền xăng xe, đi chùa, đi đám cưới, mua sách vở, chơi game…): 2 triệu đồng.
- Tiền mua bảo hiểm: 2 triệu đồng.
Sau khi Hồng Diễm chia sẻ bảng chi tiêu hàng tháng lên mạng xã hội, nhiều người cho rằng cô đang dành khá nhiều tiền cho việc tập gym, lên đến 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cô nàng lại đánh giá các khoản đầu tư vào bản thân như tập gym, đi du lịch trải nghiệm, đăng ký các khoá học… dù có đắt thì cũng xứng đáng.
Hồng Diễm giải thích: "Bởi từ những khoản chi đó, mình có thể kiếm thêm nhiều tiền hơn rất nhiều. Chẳng hạn, việc tập gym giúp tăng cường sức khoẻ và sức bền tốt, ít bệnh vặt, mình đi làm về không bị quá mệt nên có thể tập trung thêm vào các công việc khác. Bên cạnh đó, kiến thức mình học được từ PT vẫn có thể áp dụng sau này, nên đây là khoản đầu tư 1 lần nhưng có giá trị sử dụng cao.
Tư duy tài chính của mình là: 'Chi 1 đồng để kiếm được 2 đồng'. Về lâu dài, mình thấy tập gym là khoản đầu tư cực kỳ xứng đáng. Tuy nhiên, điều này có lẽ phù hợp với người đã có mức thu nhập khá trở lên".
Trước đó, Hồng Diễm có thể để dành 70 - 80% thu nhập hàng tháng vào khoản tiết kiệm. Dù cô thấy xứng đáng với những khoản đầu tư vào bản thân, song trong tương lai Hồng Diễm muốn tiết kiệm nhiều hơn. Và giảm chi tiêu cho sinh hoạt phí là một cách thức đạt mục tiêu tài chính đó.
Hiện tại Hồng Diễm đã có khoản tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng. Với số tiền để dành này, cô nàng dự định sẽ mua miếng đất nhỏ trong thời gian tới. Từ đây đến cuối năm sau, Hồng Diễm tính bỏ tiền đầu tư vào chứng khoán và vàng, đồng thời kiếm việc ngoài để có khoản tiết kiệm khoảng 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, cô đang cân nhắc đầu tư thêm một bất động sản cùng với bạn trai.
Chi tiêu đến 35 triệu/năm để đi du lịch
Chỉ trong năm nay, Ngọc Hà (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đã đi 4 chuyến du lịch dài ngày. Trong đó, cô nàng đi Thái Lan 7 ngày hết 15 triệu và chi khoảng 20 triệu cho những chuyến đi 4 ngày đến Nha Trang, Mũi Né và Đà Nẵng. Hiện tại lương của Ngọc Hạ là 12 triệu/tháng. Như vậy, cô nàng đã chi đến 3 tháng tiền lương chỉ để đi du lịch.
Ngọc Hà cho hay, cô là người thích khám phá trải nghiệm nên đi du lịch khá thường xuyên. Đây cũng là động lực để cô nỗ lực làm việc mỗi ngày.
Ngọc Hà nói: "Trên thực tế, cũng có nhiều người cho rằng mình đang chi tiêu quá phung phí cho những chuyến du lịch. Song, mình nghĩ rằng không phải lúc nào bản thân cũng được phép xê dịch. Đến một lúc nào đó có gia đình, con cái, phải gánh nhiều trách nhiệm hơn, mình sẽ không thể đi du lịch nhiều như lúc này".
Bên cạnh đó, do biết bản thân đầu tư nhiều vào khoản du lịch nên cô đã cố gắng cắt giảm các khoản tiền khác xuống mức tối đa. "Mình rất hiếm khi mua quần áo mới hay đổi điện thoại máy tính. Mình thường sẽ dùng điện thoại 4-5 năm rồi mới đổi mới và không chạy theo xu hướng mua phiên bản mới nhất. Mình cũng hạn chế đi ăn ngoài trừ những dịp vô cùng đặc biệt. Đồ dưỡng da hay trang điểm mình cũng dùng những loại cực kỳ bình dân dành cho học sinh, sinh viên", cô cho hay.
Dù nhận thấy bản thân không tiết kiệm được nhiều nhưng mỗi năm Ngọc Hạ vẫn tích luỹ được 15 - 20 triệu để dành cho những trường hợp bất ngờ xảy ra. Do đó, cô cảm thấy không có gì sai khi chi tiền cho sở thích cá nhân, cụ thể là đi du lịch.
Dành 1,5 triệu đồng để đi uống cafe cùng đồng nghiệp
Ngọc Ánh (27 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing) thường xuyên đi uống cà phê với đồng nghiệp vào buổi trưa. Do là người mê thưởng thức cafe và "tám" với mọi người, do đó gần như trưa nào cô nàng cũng rủ đồng nghiệp thân thiết ra ngoài nói chuyện.
Giá thành của mỗi lần cafe khoảng 50 - 70 ngàn đồng/người. Tức là mỗi tháng, Ngọc Ánh chi khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng cho 1 buổi trưa "không ngủ".
Cô chia sẻ rằng đôi lúc cũng cảm thấy bản thân chi quá nhiều tiền cho sở thích cá nhân với thời gian đi uống cà phê chỉ khoảng 45 phút. Tuy nhiên sau khi nhìn lại những giờ làm việc căng thẳng và việc được nói chuyện phiếm với đồng nghiệp thoải mái ra sao, Ngọc Ánh cho rằng đây là một khoản không quá tốn kém.
Tuy nhiên trong tương lai, cô hy vọng có thể giảm tổng số tiền đi uống cafe xuống, bởi cô nhận thấy chi hơn 1 triệu đồng cho khoản này là con số không nhỏ. Cũng vì thế, hội nhóm của Ngọc Ánh bắt đầu giảm tần suất ra ngoài buổi trưa còn khoảng 3 buổi/tuần thay vì 5 ngày như trước.
Theo Ngọc Ánh, với những khoản chi tiêu này, mọi người nên cân nhắc thay đổi tùy thuộc vào tình hình tài chính chẳng hạn như thu nhập, liệu thời điểm đó bạn có đang muốn tiết kiệm nhiều hơn trong mục tiêu gần hay không?