Cụ thể, Báo Người lao động có bài “Khai phá thị trường mới cho nông sản Việt”.
Theo tác giả bài báo, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực thâm nhập thị trường xuất khẩu mới bằng nhiều cách, trong đó có tận dụng phương thức xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử.
Bài báo cũng trích lời ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử - Công ty OSB (đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba): “Gần đây, có một số thị trường gia tăng nhu cầu đối với nông sản Việt, như: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Nga, các nước châu Phi... doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này”.
Cũng về chủ đề xuất nhập khẩu, Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam có bài viết “Xuất khẩu ngành gỗ tăng gần 16% sang Australia do nhu cầu tiêu thụ lớn”.
Bài báo nêu nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương): Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng cần được đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Australia, bởi đây là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Australia có nhiều thuận lợi, bởi Việt Nam và Australia là thành viên chung của ba hiệp định thương mại tự do, bao gồm FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
“Ngành sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam được hưởng lợi khi các hãng lớn của thế giới đã và đang dịch chuyển nhà máy, chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước xung quanh” là nội dung bài viết “Ngành sản xuất linh kiện điện tử hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng” đăng trên Báo Điện tử Chính phủ.
Theo đó, tác động của đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga - Ukraine và chính sách Zero-COVID của Trung Quốc đã khiến giá nhiên, nguyên liệu tăng phi mã, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, ngành sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam vẫn có một số lợi thế nhất định, đơn cử như việc được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. Các hãng lớn của thế giới đã và đang dịch chuyển nhà máy, chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước xung quanh.
Trong đó, các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam: Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam...
“Hạ nhiệt” giá phân bón bằng cách nào? Là tựa bài đăng trên Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp sáng nay.
Tác giả bài báo phân tích, sau khi lập đỉnh lịch sử cao nhất trong 50 năm trở lại đây, giá phân bón trên thế giới và trong nước đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, quan ngại việc phân bón tăng trở lại vẫn còn chờ chực.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng nhưng tới gần 200% về giá trị. Giá phân bón trong nước liên tục tăng suốt hai năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể phân ure các loại khoảng 17.600 đồng/kg, kali khoảng 18.000 đồng/kg, DAP từ 22.500 - 27.000 đồng/kg...
Về năng lượng, sáng nay Báo điện tử VnExpress có bài “Tìm lời giải cho quản lý năng lượng bền vững trong doanh nghiệp”.
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiêm năng lượng lên tới 30-35%. Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thực trạng đó, cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp cần có hành động thiết thực và kế hoạch chặt chẽ trong việc xây dựng quy trình và tìm kiếm giải pháp quản lý năng lượng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo congthuong.vn