Cầu Long Biên vẫn là cầu đẹp nhất, cần sớm sơn bảo dưỡng

Kỹ sư Nguyễn Thành Lập cho rằng cầu Long Biên vẫn là cầu đẹp nhất; có ý nghĩa Lịch sử, ý nghĩa kỷ niệm chiến tranh và hòa bình ở Hà Nội... nên đề xuất sớm sơn bảo dưỡng, đừng phục dựng.

Cầu Long Biên như “tháp Eiffel nằm” ở Hà Nội

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ câu thơ trong sách học trò từ năm xưa: “Hà Nội có cầu Long Biên, vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng”. Cho tới khi vào đại học, học môn Thiết kế cầu thép, tôi mới được biết chiều dài, chiều rộng và khổ cầu… cụ thể, chính xác (của cầu Long Biên). Nhưng đến năm 1985, Hà Nội có cầu Thăng Long hiện đại, còn dài và rộng hơn nhiều so với cầu Long Biên.

Tuy nhiên tôi cho rằng, cầu Long Biên vẫn là cầu đẹp nhất; có ý nghĩa Lịch sử, ý nghĩa kỷ niệm chiến tranh và hòa bình ở Hà Nội...

Về vẻ đẹp (cầu Long Biên) chúng ta đã biết: Cầu được cách điệu kiến trúc như một con Rồng khổng lồ hạ xuống sông Hồng. Chứ không thiết kế cấu tạo thô mộc, lộ rõ “toạc móng heo” như cầu Rồng ở Đà Nẵng, chỉ đẹp vào ban đêm và hấp dẫn với trẻ em.

Ngoài ra, một nhà Sử học chia sẻ thông tin: Tướng Pháp De Castries (chỉ huy căn cứ địa Điện Biên Phủ năm xưa), có cảm tưởng về cầu Long Biên như “tháp Eiffel nằm” ở Hà Nội.

Về ý nghĩa Lịch sử, cầu Long Biên được khánh thành từ năm 1902 (đầu thế kỷ XX), dưới thời Pháp thuộc. Cầu do kỹ sư người Pháp thiết kế và tổ chức thi công xây dựng. 52 năm sau (năm 1954), những người lính thực dân Pháp cuối cùng tháo chạy khỏi Hà Nội trên chiếc cầu này…

Cầu Long Biên năm 1954 (ảnh tư liệu)

Về ý nghĩa kỷ niệm chiến tranh và hòa bình - chính là những nhịp cầu bị máy bay địch ném bom phá sập - “biểu tượng” chiến tranh chống Mỹ. Sau đó, chúng ta đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh - khôi phục lại những nhịp cầu này, bằng hệ thống dầm UIKM dã chiến, do Liên Xô (lúc bấy giờ) viện trợ.

Còn “biểu tượng” hòa bình là những nhịp cầu nguyên vẹn tồn tại từ sau thời Pháp thuộc đến nay. Do đó, có thể gọi cầu Long Biên là “cầu chiến tranh và hòa bình”.

Song, cầu Long Biên thuộc loại cầu thép, nên bây giờ đã bị hoen rỉ. Chiều 12/6 vừa qua, tôi - một người dân Hà Nội đến “thị sát” thì thấy cầu rỉ thật thảm hại, mất mĩ quan vô cùng. Thế nên, kiến nghị cơ quan hữu trách quan tâm-sớm sơn lại cầu - đó là việc cần làm ngay đối với cầu Long Biên.

Còn chuyện phục dựng lại (cầu Long Biên) như nguyên trạng ban đầu, thì đừng. Bởi vì cầu đã quá lỗi thời, lạc hậu về “tải trọng đoàn xe thiết kế”, về khổ cầu, về kết cấu thép… dù có thể dùng loại thép hợp kim để phục dựng cầu.

Phục dựng chỉ tổ phung phí tiền...

Tôi cho rằng, “tải trọng đoàn xe thiết kế”, khổ cầu… đã quá lỗi thời (như đã nêu ở phần trên) thì phục dựng cầu (như nguyên trạng ban đầu) chỉ tổ phung phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.

Và làm triệt tiêu-mất hết kỷ niệm thời chiến tranh, kỷ niệm về quan hệ truyền thống Việt Nam - Liên Xô trước đây ở cầu Long Biên (đã viện trợ những tổ hợp dầm UIKM cho chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh ở cầu này).

Cầu Long Biên đang bị xuống cấp 

Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng và giữ gìn mãi mãi ý nghĩa Lịch sử, ý nghĩa kỷ niệm chiến tranh và hòa bình, ý nghĩa kỷ niệm về quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Liên Xô (trước đây) đối với cầu Long Biên.

Và tất nhiên cầu Long Biên, Hà Nội, vẫn mãi mãi sẽ là một điểm du lịch rất thú vị đối với du khách trong nước, cũng như du khách quốc tế, có thể đi xe 2 bánh hoặc cuốc bộ qua cầu..

Theo: vietnamnet.vn