Mới đây, bé gái 4 tuổi (Phú Thọ) được gia đình đưa vào viện với biểu hiện ăn uống kém, cười lệch miệng về phía bên phải. Theo lời kể của gia đình, buổi tối trước ngày nhập viện, trẻ đột ngột cười lệch miệng về phía bên phải, không sốt, không nôn ói, trẻ mệt hơn, ăn uống kém hơn. Trước đó, bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường.
Khi đến viện khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên phải, nguyên nhân là do gió lạnh.
Theo TS Nguyễn Hồng Minh, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là một tình trạng bệnh lý không hiếm gặp ở trẻ em nhất là những trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, sức khỏe yếu.
Căn bệnh này, dân gian vẫn thường gọi liệt mặt, méo miệng, là tình trạng mất hoặc giảm vận động cơ vùng mặt, thường gặp ở một bên, gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giao tiếp hàng ngày của trẻ.
Trẻ khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là có khả năng để lại hậu quả ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi trưởng thành của trẻ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây các tổn thương thứ cấp ở mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, di chứng co thắt cơ nửa mặt…
Tập luyện tại nhà như thế nào?
Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Việc cha mẹ biết tự chăm sóc và tập luyện tại nhà đúng cách cho con sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình hồi phục, tăng tỷ lệ hồi phục hoàn toàn và giảm các biến chứng thứ cấp của bệnh.
Dưới đây là các hướng dẫn xoa bóp tại nhà cho trẻ:
- Xoa bóp tại chỗ (vùng mặt) theo 5 bước
Bước 1: Dùng lòng bàn tay miết da từ dưới lên trên, bắt đầu từ cằm lên má, lên thái dương và từ lông mày lên đến chân tóc cả 2 bên mặt. Cha mẹ xoa bóp cho trẻ từ 5-7 lần động tác này, riêng với nửa bên liệt, làm thêm 3 lần.
Bước 2: Dùng ngón tay trỏ đặt lên đầu cung mày 2 bên của trẻ, vuốt từ giữa trán sang 2 bên theo đường sát trên cung mày. Cần thực hiện động tác này 5-7 lần, với nửa bên bệnh, làm thêm 3 lần.
Bước 3: Dùng ngón tay trỏ miết theo đường vòng cung dưới mắt (hướng từ trên xuống dưới, ra ngoài và vòng lên trên). Nên thực hiện động tác 5-7 lần, nửa bên bệnh, làm thêm 3 lần.
Bước 4: Dùng một ngón tay day cơ mặt bên liệt: phía ngoài cánh mũi, góc hàm, thái dương đầu trong cung mày, đầu ngoài cung mày, trán (điểm giữa cung mày đo lên 1-2cm). Mỗi vị trí day 60-100 nhịp.
Bước 5: Dùng ngón tay đặt giữa cằm, miết sang hai bên theo hướng hơi chếch lên phía trên. Lặp lại động tác 5-7 lần. Nửa bên bệnh, làm thêm 3 lần.
Xoa bóp mỗi lần 10-15 phút, lặp lại 1-2 lần/ngày, làm liên tục mỗi ngày đến khi khỏi.
- Tập luyện
Dạy trẻ tích cực vận động cơ mặt (rướn mày, há miệng rộng, nhắm chặt mắt)
Chu môi lại giữ nguyên trong 5 giây.
Chu môi lại và di chuyển phần môi này từ bên này sang bên kia, lưu ý không được di chuyển lưỡi. Nên tập động tác này 10 lần.
Mím chặt môi lại và nói "m…m…m", rồi nói "p…p…p", rồi nói "b…b…b".
Bắt đầu với việc há to miệng và ẩn răng dưới môi, sau đó mím môi lại tạo thành hình chữ "O". Cần thực hiện động tác này 5 lần.
Tập nói chữ A, I. Theo đó, khi nói chữ A cần há miệng rộng nhất có thể, phát âm "A" kéo dài, có thể dùng một ngón tay hỗ trợ đẩy nhẹ cơ mặt vùng góc hàm bên bệnh lên cao cho cân với bên lành, nên tập 5 lần.
Với chữ I, trẻ cần cắn chặt 2 hàm răng, nhe răng căng miệng sang hai bên, phát âm "I" kéo dài, có thể dùng một ngón tay hỗ trợ kéo đẩy nhẹ cơ mặt vùng góc hàm bên bệnh về phía mang tai, thực hiện động tác này 5 lần.
Trẻ cần tập luyện liên tục mỗi ngày đến khi khỏi. Có thể lặp lại 2-3 lần mỗi ngày.
Phòng nguy cơ liệt mặt do gió lạnh
- Tránh gió, tránh lạnh:
Trẻ cần được giữ ấm, tránh gió lạnh khi ra ngoài trời, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Trẻ nên rửa mặt hoặc chăm sóc bằng nước ấm.
- Chăm sóc và bảo vệ mắt:
Trẻ cần đeo kính tránh bụi bẩn khi ra ngoài, tra nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý để tránh khô mắt và hạn chế nhiễm khuẩn.
- Vệ sinh răng miệng:
Cơ vùng mặt không giữ nước được trong miệng, thức ăn đọng lại bên liệt dễ gây viêm nhiễm vùng răng lợi, miệng, họng. Do đó, trẻ cần được đánh răng ngày 2 lần, sử dụng chỉ nha khoa, súc miệng, họng và nhỏ rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
- Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng:
Trẻ cần ăn đầy đủ vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein và chất béo, nhu cầu theo lứa tuổi. Tránh đồ ăn sống lạnh (ăn kem, uống nước đá lạnh, dưa hấu, tôm, cua, gỏi cá…) hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ (ớt, hạt tiêu, đồ chiên xào rán…).
Theo Dân trí