Các nhà khoa học khẳng định: Viên uống tố nữ Mộc Beauty không có công dụng điều trị

Sản phẩm Mộc Beauty là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng lại quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Trước thực trạng này, các nhà khoa học khẳng định sản phẩm quảng cáo không đúng quy định pháp luật.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải bài viết “Viên uống tố nữ Mộc Beauty quảng cáo sai công dụng, bán hàng trên website chưa đăng ký Bộ Công Thương” phản ánh nêu rõ, tại page “Mộc Beauty”, sản phẩm này quảng cáo công khai công dụng như thuốc chữa bệnh, điều trị hiệu quả bệnh sinh lý, trị nám, giảm cân...

Nội dung quảng cáo cho rằng khi làn da xuất hiện các nốt nám, tàn nhang sẽ khiến nhiều phụ nữ đau đầu, gương mặt mệt mỏi, thiếu sức sống... Sau đó, tổ chức kinh doanh khuyên sử dụng Mộc Beauty để “tút” lại làn da, giúp hỗ trợ làm đẹp da, loại bỏ các vết nám, tàn nhang từ sâu bên trong... Với những công dụng như trên, sản phẩm Mộc Beauty được ví như “nguyên tắc vàng trong làng trị nám”.

Sản phẩm Mộc Beauty quảng cáo sai công dụng?

Ngoài ra, sản phẩm này còn đang được quảng cáo có công dụng giảm mỡ vòng 2, săn chắc vòng 1, điều trị các triệu chứng trước và sau mãn kinh... Không những vậy, sản phẩm Mộc Beauty còn đăng bài bán hàng trên website https://dailammocgroup.vn/, chưa đăng ký với Bộ Công Thương khiến khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm liệu có đảm bảo sức khỏe cho người dùng không?

Trước nội dung phản ánh của Chất lượng Việt Nam - VietQ.vn, Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc là đơn vị phân phối sản phẩm Mộc Beauty đã bị Cục ATTP xử phạt 45 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống tố nữ Mộc Beauty (Quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định). Tưởng sau khi bị xử phạt, đơn vị sẽ chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nhưng tổ chức này vẫn có dấu hiệu vi phạm đăng tải nhiều tin nhắn giới thiệu là khách hàng sử dụng đạt hiệu quả, thậm chí có những tin nhắn còn gọi sản phẩm này là “thuốc”.

Trước thông tin trên, người tiêu dùng đã phản ánh tới VietQ, nghi ngờ về độ tin cậy của sản phẩm. Có độc giả cho biết, Mộc Beauty được giới thiệu là sản phẩm của Viện Hàn lâm, là công trình nghiên cứu của PGS. TS Phạm Gia Điền và PGS. TS Phạm Thu Nga. Do đó, độc giả hoang mang rằng những quảng cáo nêu trên có đúng không, sản phẩm Mộc Beauty được các nhà khoa học nhận định thế nào khi dính “phốt”?

 Tổ chức kinh doanh đăng tải tin nhắn giới thiệu hiệu quả để "dụ" người tiêu dùng mua sản phẩm.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì được biết ông Phạm Gia Điền và bà Phạm Thu Nga đã về hưu từ lâu. Tiếp tục liên hệ tới 2 nhà khoa học nêu trên thì nhận được câu trả lời toàn bộ quảng cáo điều trị, đặc trị khi nói về sản phẩm Mộc Beauty là không đúng sự thật.

Quá trình trao đổi, PGS. TS Phạm Gia Điền cho biết, ông chỉ nghiên cứu một số thành phần có trong sản phẩm. Còn việc quảng cáo sản phẩm có công dụng điều trị là không đúng sự thật, vi phạm quy định, thông tư của Bộ Y tế. “Mộc Beauty chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ, làm sao nói là điều trị, đặc trị được...”, ông Điền bức xúc.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Thu Nga cũng cho biết: “Tôi chỉ tham gia góp ý trong nghiên cứu chứ không làm hết tất cả. Mộc Beauty là hỗ trợ, tăng cường sức khỏe.... thế thôi, chứ quảng cáo điều trị là không đúng. Sản phẩm này ai thích thì dùng mà không dùng thì thôi...”.

Thông qua nội dung trên, phải chăng Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc dựa vào danh nghĩa các nhà khoa học để quảng cáo sai công dụng sản phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng. Do đó, VietQ cảnh báo người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng sản phẩm này.

Trước thực trạng sản phẩm TPBVSK vi phạm quảng cáo, đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, không có thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh. Với những trường hợp bị xử phạt, Cục đã công bố công khai trên website của đơn vị mình và thông báo cho các cơ quan báo chí.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương đối với các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo...

Theo Vietq.vn